Mang dịch vụ ngân hàng tới vùng sâu vùng xa

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/1/2018 | 7:59:39 AM

YBĐT - Xã Đại Minh, huyện Yên Bình chưa có bất cứ một phòng giao dịch nào. Tất nhiên, càng không thể có cây ATM, nhưng trong chuyến đi công tác của chúng tôi về vùng đặc sản bưởi đã thực hiện thành công giao dịch rút tiền từ tài khoản mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) nhờ một dịch vụ mới mẻ và tiện ích, đó là điểm giao dịch lưu động mà Ngân hàng này vừa đưa vào thực hiện.

Trong khoang xe ô tô của Agribank huyện Yên Bình được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo giao dịch bình thường.
Trong khoang xe ô tô của Agribank huyện Yên Bình được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo giao dịch bình thường.

Với cơ sở khách hàng hiện nay là hơn 10 triệu hộ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, trong khi nhu cầu vay vốn, tiết kiệm và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của người dân ở khu vực nông thôn ngày càng tăng; do vậy, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank tại các địa bàn này sẽ khó đáp ứng được hết nhu cầu giao dịch cũng như thuận tiện cho người dân, nhất là những vùng điều kiện đi lại khó khăn, những nơi mà Agribank chưa có trụ sở.
 
Năm 2017, được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Agribank triển khai Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với mục tiêu mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa nhằm phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn tín dụng đen, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư. Ngay trong những ngày đầu năm mới, Agribank Yên Bái đã đưa việc giao dịch lưu động vào hoạt động tại 3 xã Đại Minh, Hán Đà và Mông Sơn, huyện Yên Bình.

Theo thống kê, hiện nay Agribank mới có 34 phòng giao dịch trên tổng số 180 xã, phường, thị trấn; tại nhiều khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại không thuận lợi, việc xây dựng một phòng giao dịch ngân hàng là hết sức khó khăn, chi phí tốn kém; quá trình cung ứng vốn cho người dân cũng như triển khai các dịch vụ ngân hàng khác ở cơ sở vùng sâu, vùng xa gây ra nhiều khó khăn, tốn kém cho cả cán bộ tín dụng và các khách hàng, nhiệm vụ càng trở nên nặng nề trong bối cảnh phải duy trì và tăng trưởng dư nợ nông nghiệp, nông thôn cũng như công tác huy động vốn và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác...
 
Để giải quyết những vấn đề trên thì việc xây dựng mạng lưới điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng sẽ tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực cho Agribank, bởi chi phí để mở, xây dựng một phòng giao dịch lớn hơn nhiều lần so với điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.
 
Theo tính toán của Agribank, việc giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng không làm tăng số lượng lao động của đơn vị mà chỉ thực hiện sắp xếp lại lao động thay vì việc cán bộ ngồi giao dịch tại trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch thì cán bộ sẽ luân phiên tham gia tổ giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng đi xuống địa bàn đã được xác định trước, nhằm giảm thiểu khách hàng ở xa phải đến trụ sở chi nhánh giao dịch. Kết hợp cho vay qua tổ, việc hình thành và đưa vào triển khai điểm giao dịch lưu động góp phần giảm tải, giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Theo đó, mở rộng quy mô tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Agribank trên thị trường.

Đưa chúng tôi đi tham quan điểm giao dịch lưu động, thực ra là một chiếc xe ô tô loại 16 chỗ được thiết kế chuyên dụng với đầy đủ các thiết bị như: bàn ghế, két sắt, máy in, máy tính, máy đếm tiền, cùng các phương tiện kỹ thuật an toàn, có công cụ bảo vệ, hệ thống mạng, hệ thống cung cấp điện, thiết bị định vị và giám sát đa năng... đảm bảo mọi hoạt động giao dịch được thực hiện ngay tại ô tô chuyên dùng.
 
Ông Tạ Quang Khả - Phó Giám đốc Agribank huyện Yên Bình cho biết: "Bằng việc trang bị những thiết bị tối cần thiết để thuận tiện cho các hoạt động giao dịch tại chỗ, điểm giao dịch lưu động sẽ thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ gồm: giải ngân các khoản vay đã được phê duyệt; thu nợ, lãi tiền vay... từ khách hàng do Agribank cho vay trực tiếp hoặc cho vay qua tổ vay vốn/tổ liên kết; cho vay cầm cố bằng số dư thẻ tiết kiệm do Agribank phát hành; cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích khác...”.

Buổi khai trương điểm giao dịch lưu động của Agribank Yên Bái được tổ chức tại xã Đại Minh được tổ chức vào sáng ngày 18/1/2018 đã thu hút được hàng chục khách hàng đến giao dịch. Họ là những tổ trưởng tổ vay vốn, người đến tìm hiểu chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn với chính sách lãi suất mới, người đến nhận tiền do con cái đang lao động tại các khu chế suất tại Bình Dương và cả lao động hay định cư ở nước ngoài gửi về. Đặc biệt, có không ít người đến gửi tiền tiết kiệm nhờ vừa thắng lớn vụ bưởi ngọt.
 
Bà Đặng Thị Oanh, 60 tuổi, là tổ trưởng tổ vay vốn số 11, thôn Quyết Tiến là một trong số những khách hàng đầu tiên giao dịch trên xe ô tô cho biết: "Tiện lợi quá! Thực hiện mọi thủ tục ngay trên xe ô tô, kết nối trực tiếp với phòng giao dịch của huyện và tỉnh vừa đỡ bao công đi lại vừa an toàn, thuận tiện cho cả người dân và cán bộ”.
 
Được biết, tổ vay vốn của Bà Oanh có 38 hộ, hiện 14 hộ còn dư nợ với tổng dư nợ 1,5 tỷ đồng và bà con vay vốn chủ yếu để trồng và chăm sóc bưởi. Mấy năm qua, nhờ sản lượng bưởi lớn, chất lượng ngon, giá bán cao nên tổ vay vốn số 11 không có nợ xấu, lãi và gốc được thanh toán đầy đủ, thôn Quyết Tiến chỉ còn 2 hộ nghèo do già yếu, bệnh tật, còn lại đều khấm khá, nhiều hộ đã mua được ô tô, xây được nhà lớn và gửi tiết kiệm Agribank cả trăm triệu đồng. Biết hôm nay ngân hàng huyện đưa xe ô tô về giao dịch tại xã, chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Làng Cần mang khoản tiền của gia đình tới gửi tiết kiệm và chỉ một lát mọi thủ tục đã xong.
 
Cầm cuốn sổ tiết kiệm trong tay chị cho biết: "Ở nông thôn là vậy! Bán trâu, bán bò, có khi bán đồi rừng, bán bưởi thu mấy trăm triệu đồng nhưng ngân hàng ở xa quá, đem gửi thấy ngại, lúc đi rút cũng bất tiện nên cứ để trong nhà rất bất an. Giờ có xe lưu động đến xã thế này rất tiện. Hôm nay, tôi gửi cũng không được nhiều như các ông bà ở đây nhưng  tôi thấy tiền nhàn rỗi thì để ở ngân hàng vẫn hơn, vừa có lãi vừa an toàn”.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên tại xã Đại Minh, điểm giao dịch lưu động của Agribank huyện Yên Bình đã có 260 bút toán, 8 khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền gần 1,7 tỷ đồng, hoàn thiện thủ tục giải ngân cho 2 khách hàng với số tiền 200 triệu, mở thẻ ATM cho 7 khách, thực hiện thu lãi của 12 tổ vay vốn; tổng số thu đạt 2,9 tỷ đồng và tổng chi 1,2 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Giám đốc Agribank Yên Bái nhận xét: "Giao dịch lưu động bước đầu như vậy là rất hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai mô hình này ở nhiều địa bàn khác để đồng vốn tín dụng đến với bà con, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng như triển khai nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng tiện ích khác”.

Lê Phiên

Các tin khác
Giá bán lẻ xăng E5RON92 đang thấp hơn nhiều so với giá bán xăng RON95.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về diễn biến tình hình giá xăng dầu trong tháng 1/2018.

Công nhân Chi nhánh LĐCT Yên Bái xử lý khiếm khuyết ĐZ Yên Bái - Nghĩa Lộ.

YBĐT - Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2018, chuẩn bị đón tết Nguyên đán Mậu Tuất, Chi nhánh tiếp tục tăng cường công tác quản lý vận hành, kịp thời xử lý, khắc phục các khiếm khuyết trên đường dây và trạm biến áp, cung cấp điện ổn định, an toàn, chất lượng, nâng cao độ tin cậy lưới điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của khách hàng.

YBĐT - Sáng 24/1, Viễn thông Yên Bái và Trung tâm Kinh doanh VNPT - Yên Bái đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Ảnh minh hoạ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 2.805,735 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục