Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, tôi lại tìm về những vùng chè để được ngắm nhìn những đồi chè mơn man trong nắng xuân, tận hưởng hương trà tinh khiết mà xuân là tiết mùa trong năm cho ra thứ trà chất lượng nhất; để được nghe người dân vùng cao, vùng thấp nói chuyện về chè, về những khát khao, kỳ vọng đối với loại thức uống truyền thống nổi danh ở đất Yên Bái - loại cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo trong gần nửa thế kỷ qua ở đất Yên Bái và nay chè vẫn đang là loại cây trồng được tỉnh xác định cây làm giàu trong nông nghiệp.
Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai biết chính xác cây chè đã "định cư" trên đất Yên Bái từ bao giờ. Theo thư tịch cổ Việt Nam, cây chè đã có từ xa xưa với hai loại: cây chè vườn hộ gia đình vùng châu thổ sông Hồng và cây chè rừng ở miền núi phía Bắc.
Sau chuyến khảo sát rừng chè cổ Hà Giang năm 1923 và Tây Nam Trung Quốc năm 1926, các nhà khoa học Pháp và Hà Lan đã viết: "... Những rừng chè bao giờ cũng được mọc bên những bờ con sông lớn, như sông Dương Tử, sông Tsi Kiang ở Trung Quốc, sông Hồng ở Vân Nam và Việt Nam, sông Mê Kông ở Vân Nam (Trung Quốc), Thái Lan và Đông Dương...”.
Năm 1976, Viện sĩ K.M.Djemmukhtze, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô sau khi nghiên cứu về tiến hóa của cây chè ở các vùng chè: Tứ Xuyên, Vân Nam (Trung Quốc) và các vùng chè cổ Việt Nam; đặc biệt, sau khi đến nghiên cứu rừng chè cổ thụ Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái ông đã viết: "Tôi đã đi qua 120 nước trên thế giới để nghiên cứu về cây chè, nhưng chưa thấy ở đâu có những rừng chè, cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, phải chăng đây là tổ quốc của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới...”.
Tóm lại, cây chè được hình thành và phát triển như thế nào, chúng ta để dành cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tiếp tục những công việc của mình. Chỉ biết rằng, từ những cuối những năm 1950 của thế kỷ trước, những đồi chè của các nông trường quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp được hình thành tại vùng chè Văn Chấn, Trấn Yên và Yên Bình. Suốt trong quá trình hình thành và phát triển đến nay, vị thế cây chè tiếp tục được khẳng định ở những địa phương có truyền thống trồng chè. Diện tích, sản lượng chè ngày một lớn và có những thời điểm diện tích chè tỉnh Yên Bái lên trên 12.000 ha, sản lượng búp tươi đạt 100.000 tấn, sản lượng chè chế biến trên 30.000 tấn/năm; hàng chục vạn hộ nông dân sống bằng nghề chè.
Yên Bái cũng là nơi có nhà máy chế biến chè lớn nhất Đông Nam Á vào những năm 70 của thế kỷ trước và luôn nằm trong tốp đầu những tỉnh, thành có diện tích, sản lượng chè lớn nhất. Dẫu trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, nhưng đến nay không ai có thể phủ nhận được những giá trị kinh tế của cây chè, của ngành chế biến chè đã góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và mang một lượng ngoại tệ lớn về cho Yên Bái.
Năm 2017 là một năm khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chế biến chè nói riêng. Song, với sự quyết tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, sự nỗ lực của nông dân, sản xuất kinh doanh chè đã thêm một năm vượt khó. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 81.000 tấn, bằng 101,25% kế hoạch, tăng 0,41%, tương đương 333 tấn so với 2016. Đáng chú ý là, sản lượng chè búp tươi đạt chất lượng cao, trên 11.000 tấn - một con số mà nhiều địa phương làm chè mơ ước trong bối cảnh sản xuất chè hiện nay.
Để nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất, kinh doanh chè, Yên Bái đã có những sự chỉ đạo quyết liệt, đầu tư thỏa đáng cho các vùng chè. Những diện tích chè già cỗi được trồng thay thế bằng các giống chè nhập nội, chè lai như: Kim tuyên Thúy Ngọc, Hồng Bạch trà đến Phúc Vân tiên, Bát tiên rồi đến chè lai LDP1, LDP2... Từ một tỉnh lúc đầu chỉ có giống chè trung du, nay Yên Bái đã có các giống chè nhập nội, giống mới lai tạo đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao.
Trong một vài năm trở lại đây, nhất là năm 2017, Yên Bái đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển chè Shan vùng cao. Cây chè Shan tuyết là ngon nhất, chất lượng nhất, bởi chè hoàn toàn phát triển tự nhiên, chè "ngủ” trong mấy tháng mùa đông giá buốt trên núi cao, ủ trong biển mây mù mỗi khi chiều tà và sáng sớm.
Do vậy, những búp chè hội tụ những tinh túy nhất của đất trời, mây, gió, tuyết, sương của vùng cao nên có hương vị rất đặc biệt. Năm 2016, người Mông vùng chè Suối Giàng, Văn Chấn vinh dự tổ chức lễ đón bằng công nhận Cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tặng. Việc lựa chọn và vinh danh chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng không chỉ góp phần bảo vệ nguồn gen quý hiếm mà còn quảng bá thương hiệu chè Suối Giàng nói riêng và chè Yên Bái nói chung với bạn bè trong, ngoài nước.
Cũng tại vùng đất Suối Giàng, người Mông nơi đây đã chế biến ra loại chè với tên gọi "5 cực” (cực khổ, cực sạch, cực hiếm, cực ngon và cực đắt), giá một ki-lô-gam chè loại đặc biệt này lên đến trên 2 triệu đồng. Giá chè Shan tuyết Suối Giàng dao động bình quân từ 250 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/kg tùy loại. Những tên: Đằng Trà, Tuyết Sơn Trà, hay mộc mạc như chè Suối Giàng đã trở thành thương hiệu ăn sâu vào giới nghiền trà.
Đến nay, đã có thương hiệu "Chè Suối Giàng - Văn Chấn” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận; Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái đã tiến hành cấp phép sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm chè của Nhà máy chè Suối Giàng thuộc Công ty TNHH Đức Thiện và Hợp tác xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái. Chè Shan tuyết đã và đang khẳng định rõ vị thế là cây chủ lực trong xóa đói nghèo và làm giàu ở vùng cao Yên Bái.
Nhâm nhi chén chè xuân trên vùng chè cổ thụ Shan tuyết Suối Giàng, tôi chợt nghĩ, với sản lượng 600 tấn búp tươi mỗi năm, với giá bán từ 12.000 đồng đến 20.000 đồng/kg búp, mỗi vụ chè đem về cho người dân nơi đây gần chục tỷ đồng.
Như vậy, với hàng ngàn héc-ta chè Shan tuyết đang được trồng khắp các xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu được đầu tư chăm sóc tốt từ vùng nguyên liệu đến chế biến thì đây là một vùng có tiềm năng kinh tế lớn của cây chè. Một quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh Yên Bái trong năm 2018 và những năm tiếp theo là không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng chè đáp ứng cho chế biến chè xanh, chè đen, chè tinh xuất khẩu và tiếp tục phát triển diện tích chè Shan vùng cao, trồng cải tạo thay thế giống chè cũ, chè già cỗi vùng thấp; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng chè hiệu quả, bền vững; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất chế biến chè xanh, chè có chứng nhận, chè sạch; sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các chứng chỉ nông nghiệp khác (Rianforest; SAN, IDH…); xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi, mô hình sản xuất chè xanh chất lượng cao tại các địa phương có lợi thế.
Mùa xuân, mùa của ấp ủ những dự án và chờ mong, những khát khao, kỳ vọng cho một ngành chế biến chè trong tiến trình hội nhập và làm giàu nông nghiệp, nông dân, nông thôn Yên Bái.
Thanh Phúc