Sản xuất rau an toàn cho thu nhập cao gấp 7 lần trồng lúa

  • Cập nhật: Chủ nhật, 11/3/2018 | 8:17:52 AM

Việc chuyển đổi đất trồng lúa 2 vụ sang đất trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao ở Ninh Bình bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Cơ sở sản xuất rau sạch công nghệ cao bằng phương pháp thủy canh, theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Bảo Minh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
Cơ sở sản xuất rau sạch công nghệ cao bằng phương pháp thủy canh, theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Bảo Minh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.


Trong nhiều năm qua, ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn có ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành và phát triển. Tận dụng được lợi thế của nguồn đất Đồng bằng sông Hồng phù sa màu mỡ, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đã đầu tư vào địa bàn huyện, bước đầu thành công với mô hình liên kết sản xuất và cung ứng rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thị trường là thước đo sản phẩm

Với mong muốn có một vùng sản xuất nông nghiệp để cùng với bà con nông dân tăng năng suất cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, được phép của chính quyền địa phương, từ năm 2000 đến năm 2013, Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh đã tiến hành dồn điền, đổi thửa chuyển từ đất 2 vụ lúa sang đất màu trồng rau an toàn.

Từ 5 ha đất được quy hoạch trên địa bàn xã Khánh Cư, Công ty CP Đầu tư  Công nghệ xanh từng bước hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau màu, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cây lúa. Với mỗi 1 sào đất trồng rau an toàn trong 1 vụ sản xuất kéo dài từ 20 – 60 ngày đã mang lại thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng, cao gấp 5 – 7 lần, thậm chí cao gấp 10 lần so với trồng lúa trước đây.

Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh cho biết, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam, chất lượng rau của công ty sản xuất ra đạt chất lượng tốt, sản phẩm khi đưa ra thị trường đã được các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng phản hồi tích cực, từ đó đã có nhiều doanh nghiệp thương mại mong muốn được hợp tác, sản xuất và bao tiêu các sản phẩm rau đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.

Theo bà Dung, khi nhà sản xuất và nhà phân phối hợp tác được với nhau sẽ tạo ra quy trình bền vững. Khi có cái bắt tay "chặt hơn” giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sẽ bổ sung cho nhau những điểm còn yếu kém, từ đó tạo ra những sản phẩm thực sự tốt, hạn chế những sản phẩm kém chất lượng, thay thế các sản phẩm nhập khẩu. "Những điều này sẽ góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hưởng ứng phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Dung nói.

Để phát huy những khả năng cùng hiệu quả của mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh muốn phát triển quy mô với 6.000 m2 diện tích sản xuất, trong đó có 5.000 m2 nhà lưới và 1.000 m2 nhà kính để tiến hành sản xuất rau an toàn, hạn chế được sức lao động cũng như những tác động bất lợi của thời tiết đưa quá trình sản xuất rau với quy mô đại trà. Tuy nhiên, theo bà Dung, việc tiếp cận nguồn vốn để doanh nghiệp phát triển sản xuất hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Là người lao động tại Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh đã được 2 năm, chị Nguyễn Thị Cúc ở thôn Khê Thượng, xã Khánh Cư chi sẻ, mô hình sản xuất của công ty đã đảm bảo cuộc sống, thu nhập cho người lao động, người công nhân được tiếp cận với quy trình sản xuất rau hàng hóa, từ đó có thu nhập ổn định. Hiện đang có thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng/người lao động. Khi sản phẩm của công ty ngày càng có chỗ đứng trên thị trường sẽ có thêm nhiều lợi nhuận, từ đó thu nhập của người lao động sẽ tăng thêm.

Liên kết "4 nhà” cần chặt chẽ hơn

Là chủ doanh nghiệp hợp tác phân phối sản phẩm của Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh, bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Việt Nam cho biết, thị trường tiêu thụ rau sạch hiện nay đang là cái đích của nhiều người, nhiều doanh nghiệp. Với sự hợp tác tiêu thụ hiện có, nhiều sản phẩm rau an toàn sản xuất có ứng dụng công nghệ cao của huyện Yên Khánh đã có mặt tại thị trường Hà Nội.

"Muốn phát triển được sản phẩm nông sản hàng hóa bền vững phải có ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên khi đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi suất đầu tư rất lớn và gặp nhiều rủi ro. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm nông sản vẫn hợp tác tiêu thụ được nhiều sản phẩm trên địa bàn. Mong muốn trong tương lai, với sự hợp tác liên kết chặt chẽ "4 nhà”, những sản phẩm rau an toàn của huyện Yên Khánh sẽ có chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện tăng sản lượng tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân cùng với đó sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận sản phẩm sạch”, bà Hằng nói.

Trao đổi về mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn có ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, ông Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết, xuất phát từ cơ sở thực tế, trong những năm qua, huyện đã có nghị quyết về chuyển đổi từ quy trình sản xuất tự cung tự cấp sang nền sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, bước đầu đã thu được một số thành công nhất định.

"Trên địa bàn huyện đã có hàng nghìn ha đất được chuyển đổi theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp nông sản hàng hóa có ứng dụng công nghệ cao khoa, áp dụng khoa học kỹ thuật. Huyện đã xác định muốn phát triển được phải khai thác và lấy nông nghiệp làm trụ đỡ cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”, ông Vọng một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của mô hình liên kết, điều mà nhiều doanh nghiệp đã thành công trên địa bàn trong những năm qua.

(Theo VOV)

Các tin khác

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu thống kê lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam trong tuần qua từ ngày 2/3 đến ngày 8/3, trong đó đưa ra con số chính xác về hàng nghìn chiếc xe nhập có thuế suất 0% đang gây ồn ào dư luận thời gian gần đây.

Ngày 9-3, Bộ Công thương khẳng định, các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam chỉ nhằm mục đích sử dụng là xây dựng dân dụng không phải xây dựng cơ sở hạ tầng hay an ninh quốc phòng và không cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của Hoa Kỳ.

Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thuộc nhóm 1 gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.

Lãnh đạo huyện Yên Bình tặng giấy khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu năm 2017

YBĐT - Chiều 9/3, UBND huyện Yên Bình tổ chức gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp trên địa bàn để đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp năm 2017; bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục