Mù Cang Chải chú trọng tăng đàn gia súc

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/3/2018 | 8:05:16 AM

YBĐT - Ngay sau đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2018, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp khắc phục hậu quả; trong đó, đặc biệt chú trọng khắc phục và phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Bảo vệ đàn gia súc để tạo sức kéo, phục vụ sản xuất.
Bảo vệ đàn gia súc để tạo sức kéo, phục vụ sản xuất.

Năm 2017, huyện vùng cao Mù Cang Chải có tổng đàn gia súc là 60.850 con; trong đó, có 13.652 con trâu, 6.324 con bò, 40.874 con lợn, 7.551 con dê. Tuy nhiên, những ngày đầu năm 2018, trên địa bàn huyện đã xuất hiện băng tuyết kèm mưa phùn đã làm chết 397 con gia súc, trong đó có 243 con bê và nghé.
 
Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát toàn bộ số hộ dân phát triển chăn nuôi gia súc thực hiện tốt việc sửa chữa, nâng cấp chuồng trại và làm chuồng mới đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng cỏ, làm cây rơm để chủ động thức ăn cho vật nuôi.
 
Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, vận động mỗi hộ dân có chăn nuôi trong tháng 3 phải tu sửa, làm mới chuồng trại để khi mùa mưa tới, gia súc có chỗ trú ẩn. Trong tháng 4 sẽ vận động nhân dân trồng cỏ voi và một số loại cỏ khác để bảo đảm có đủ thức ăn cho gia súc. Đến tháng 7, tháng 8, vận động bà con trồng ngô thu - đông để dùng thân cây ngô làm thức ăn tươi cho trâu, bò. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác tiêm phòng cho đàn gia súc để tránh mắc các loại dịch bệnh”.

Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn triển khai công tác khắc phục khó khăn để tiếp tục phát triển đàn gia súc hiệu quả; phối hợp với các địa phương tổ chức nghiệm thu những công trình chuồng trại, diện tích cỏ mới trồng và làm thêm cây rơm mới mà đã được huyện hỗ trợ về kinh phí. 

Các xã, thị trấn tổ chức họp bản đăng ký hỗ trợ làm chuồng trại cho các hộ nghèo, khó khăn trong thời gian tới.
 
Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: "Do tập quán của người dân vùng cao thường chăn nuôi thả rông và nhiều gia đình chưa có chuồng trại ổn định để nuôi nhốt gia súc, khi đến mùa đông và mùa mưa, gia súc chỉ được dắt về buộc ở nơi tạm bợ, không đủ ấm nên trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua những con bê, con nghé đã bị chết". 

"Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn rà soát toàn bộ những hộ gia đình phát triển chăn nuôi chưa có chuồng trại đạt yêu cầu kỹ thuật, chưa có vườn cỏ làm thức ăn dự trữ phục vụ chăn nuôi để vận động bà con tham gia thực hiện” - ông Lâm nói.
 
Theo ông Lò Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND xã Nậm Có, đầu năm nay, trên địa bàn xã xuất hiện băng tuyết nhiều nên toàn xã đã có 78 con trâu, bò bị chết do trời quá rét. Hầu hết những con trâu, bò bị chết phần lớn do người dân chăn thả rông ở rừng, không có lều, lán cho trâu, bò trú. 

"Ngay sau đợt rét đậm, rét hại này, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các trưởng bản, bí thư chi bộ, chi hội nông dân, phụ nữ tổ chức họp bản tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện ngay việc khắc phục hậu quả bằng cách làm chuồng mới, nâng cấp chuồng, trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc" - ông Thắng nói. 
 
Là người tích cực thực hiện chủ trương chỉ đạo của xã, ông Sùng A Chứ ở bản Thào Xa Chải, xã Nậm Có bộc bạch: "Gia đình tôi có 3 con trâu. Tuy đã làm được chuồng nhiều năm nay rồi nhưng mới đây, xã có hướng dẫn cần nâng cấp và mở rộng diện tích để bảo đảm ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, tôi đã thực hiện ngay, đến nay, việc sửa chữa, nâng cấp chuồng trâu đã hoàn tất. Hiện, tôi đang tìm mua cỏ giống về trồng để bảo đảm có đủ thức ăn cho trâu, khi cày, bừa trâu mới khỏe…”. 

Với sự nỗ lực khắc phục từ các cấp, các ngành và mỗi người dân, đến nay, tình hình phát triển chăn nuôi, sản xuất lúa xuân trên địa bàn huyện đã cơ bản ổn định. Đi đôi với các biện pháp khắc phục, hơn hết, vẫn là ý thức và tinh thần chủ động, tự giác của mỗi hộ dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm.

Sùng A Hồng

Các tin khác

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

YBĐT - Đến ngày 14/3, huyện Mù Cang Chải có 114 con gia súc mắc bệnh tập trung ở xã Nậm Có. Huyện chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y cùng chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động các hộ tiêu hủy số lợn bị bệnh, tập trung chữa trị, chăm sóc trâu bò nhiễm bệnh và các biện pháp phòng chống.

Cả nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với phương châm "chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả".

Ảnh minh hoạ.

Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, ngoài các đôi tàu chạy hàng ngày, ngành đường sắt lập thêm tổng cộng 29 đoàn tàu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục