Kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1988 - 2018)

Agribank Yên Bái: 30 năm mang phồn thịnh đến khách hàng

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/3/2018 | 8:27:10 AM

YBĐT - Hiện tại, Agribank Yên Bái là đơn vị có quy mô hoạt động lớn so hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tổng nguồn vốn huy động đạt 5.970 tỷ đồng, gấp 1.270 lần và tổng dư nợ đầu tư nền kinh tế đạt trên 8.316 tỷ đồng, gấp 763 lần so với khi mới thành lập năm 1988.


 

Giao dịch lưu động trên xe ô tô, mang dịch vụ tín dụng của Agribank Chi nhánh Yên Bái đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh. (Ảnh: Lê Phiên)
Giao dịch lưu động trên xe ô tô, mang dịch vụ tín dụng của Agribank Chi nhánh Yên Bái đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh. (Ảnh: Lê Phiên)


Ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 53/HĐBT hình thành ngân hàng 2 cấp, phân định rõ ranh giới chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và chức năng kinh doanh tiền tệ - tín dụng của các ngân hàng thương mại; thành lập các ngân hàng chuyên doanh, trong đó có Ngân hàng Phát triển nông nghiệp, đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự ra đời của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Cùng với hệ thống ngân hàng phát triển nông nghiệp trong cả nước, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển nông nghiệp tỉnh Hoàng Liên Sơn ra đời trên cơ sở kế thừa và tiếp nhận phần lớn bộ máy của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hoàng Liên Sơn và toàn bộ 15 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước huyện, thị xã.
Ngày 12/8/1991, Quốc hội khoá VIII đã quyết định chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lao Cai, trên cơ sở đó Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) tỉnh Yên Bái được thành lập theo Quyết định số 33 của Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam.
 
Thời kỳ mới thành lập, biên chế của toàn Chi nhánh Agribank tỉnh Yên Bái có tổng số 658 cán bộ viên chức, trong đó có 74 đại học, 277 trung cấp, còn lại là sơ học và chưa qua đào tạo. Tài sản, vốn tiếp nhận bàn giao khi mới thành lập có thể nói là rất nhỏ bé; tổng nguồn vốn huy động 4,7 tỷ đồng, dư nợ 7,2 tỷ đồng, trong đó dư nợ quốc doanh chiếm 88,6%, dư nợ hộ gia đình 393 triệu đồng chiếm 5,5%; đặc biệt nợ quá hạn, nợ không có khả năng thu hồi do các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã bị giải thể, ngừng hoạt động, tự tan rã chiếm xấp xỉ 16%/ tổng dư nợ; cơ cấu cho vay chủ yếu là tín dụng vốn lưu động chiếm tỷ trọng tới 92%.
 
Là ngân hàng thương mại song hoạt động thời kỳ đầu chỉ thuần tuý là hoạt động tín dụng và theo kiểu "mua cao, bán thấp”, kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ, sự phá sản đã cận kề. Bên cạnh đó còn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thử thách, nổi lên là cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, công cụ quản lý vừa lạc hậu vừa thiếu thốn, giá trị tài sản cố định và công cụ lao động chưa đầy 200 triệu đồng; tình trạng thiếu tiền mặt, thiếu vốn thường xuyên diễn ra gay gắt, nhất là vốn trung, dài hạn; nhiều ngân hàng huyện, thị không có việc làm, nhân viên dư thừa nhiều, đời sống của CBNV hết sức khó khăn. 

Trong đà chuyển biến chung của đất nước, của tỉnh và của ngành, trong 30 năm qua, vừa đổi mới vừa kinh doanh theo cơ chế thị trường, trải qua không ít khó khăn, thử thách đã đưa Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái dần trở thành một ngân hàng mạnh, chiếm được ưu thế và khẳng định thương hiệu so các tổ chức tín dụng trên địa bàn, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng trong phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xác định chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của doanh nghiệp, Agribank Yên Bái luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bên cạnh công tác sắp xếp, củng cố lại bộ máy tổ chức, thường xuyên quan tâm đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên (CBNV), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
 
Đến 31/12/2017 Agribank tỉnh Yên Bái có tổng số 432 CBNV; trình độ chủ yếu là đại học và trên đại học; chất lượng đội ngũ CBNV được nâng lên, được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ, tin học, có khả năng tiếp thu công nghệ ngân hàng hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của ngành. Cùng với toàn ngành đã thực hiện thành công việc chuyển đổi từ ngân hàng trong cơ chế bao cấp sang ngân hàng thương mại  theo phương châm "đi vay để cho vay”.
 
Hiện tại, Agribank Yên Bái là đơn vị có quy mô hoạt động lớn so hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tổng nguồn vốn huy động đạt 5.970 tỷ đồng, gấp 1.270 lần và tổng dư nợ đầu tư nền kinh tế đạt trên 8.316 tỷ đồng, gấp 763 lần so với khi mới thành lập năm 1988.
 
Thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm nguồn vốn huy động tăng trưởng 35,6%/ năm; dư nợ đầu tư vào nền kinh tế tăng trưởng trên 27,3%/ năm; đã  giải quyết cho vay 1.413.894 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền vay 71.620 tỷ đồng; cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn.
 
Từ chỗ tín dụng chỉ đáp ứng cho vay vốn tới doanh nghiệp Nhà nước và hợp tác xã, đến nay Ngân hàng đã mở rộng cho vay tới các hộ gia đình, cá nhân, các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
 
Thành công nổi bật là Agribank Yên Bái đã chuyển hướng, mở rộng cho vay đối với tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là cho vay tới hộ sản xuất - kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hoá ngày càng phát triển. Số hộ và dư nợ cho vay hộ sản xuất trong giai đoạn này tăng liên tục; đến hết năm 2017 Agribank Yên Bái có trên 46,4 ngàn khách hàng có dư nợ; trong đó có 181 doanh nghiệp, dư nợ 1.453 tỷ đồng và 46.220 hộ gia đình cá nhân có dư nợ 6.619 tỷ đồng, cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ 92,6%/ tổng dư nợ.
 
Với sự chuyển hướng đầu tư tích cực của Agribank tỉnh Yên Bái; trong suốt những năm qua đã góp phần tích cực bổ sung vốn cho hơn 1,4 triệu lượt hộ gia đình, cá nhân thâm canh cây trồng, vật nuôi, khôi phục, mở mang ngành nghề truyền thống, phát triển dịch vụ nông thôn, tạo điều kiện để đưa khuyến nông, khuyến lâm đến với hộ sản xuất; thu hút một bộ phận lớn lao động dư thừa có công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá và phân công lao động xã hội có điều kiện để khai thác những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận lớn dân cư ở nông thôn, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như vùng chè, quế, nguyên liệu giấy sợi, cây ăn quả...
 
Cơ sở vật chất, công nghệ không ngừng phát triển, đến nay 34 trụ sở chi nhánh ngân hàng huyện, thị xã, phòng giao dịch đã được nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới khang trang; công cụ làm việc từ chỗ giản đơn, thủ công, lạc hậu tới nay các chi nhánh ngân hàng huyện, thị đã được trang bị ô tô chuyên dùng hiện đại để điều chuyển vốn; đặc biệt, từ chỗ mọi giao dịch với khách hàng, sổ sách kế toán đều thực hiện thủ công; đến nay đã  được trang bị công nghệ hiện đại với hệ thống công nghệ thông tin được nối mạng từ tỉnh đến huyện, thị xã, phòng giao dịch và  toàn hệ thống Agribank.
 
Từ chỗ chỉ thực hiện nghiệp vụ tín dụng truyền thống, Ngân hàng đã phát triển, mở rộng và đa dạng hoá hình thức hoạt động như bảo lãnh, dịch vụ ủy thác, thanh toán điện tử, phát hành thẻ nội địa, quốc tế, dịch vụ thu ngân sách, điện, nước, viễn thông, bán vé máy bay... từng bước theo kịp yêu cầu phát triển và hội nhập của ngành.
 
Nhờ hoạt động ngày càng hiệu quả nên trong khó khăn Agribank Yên Bái không những duy trì được sự ổn định mà ngày càng có bước phát triển bền vững, vị thế và uy tín của Agribank ngày càng được nâng cao. Thực hiện sứ mệnh là một ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
 
Với triết lý kinh doanh "Mang phồn thịnh đến khách hàng”, trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành Agribank Chi nhánh Yên Bái luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là đối tượng chính để phục vụ. Do đó, đã thường xuyên chỉ đạo sát sao các chi nhánh tập trung ưu tiên vốn và tìm mọi giải pháp hữu hiệu nhất để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng đầu tư vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
 
Hiện nay, 180/180 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều có cán bộ tín dụng phụ trách để tiếp cận, nắm bắt và giải quyết kịp thời mọi nhu cầu vay vốn để đầu tư, phục vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả của các thành phần kinh tế, nhất là các hộ nông dân; luôn có sự phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, thực hiện thỏa thuận liên ngành đã ký kết với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để tăng cường cho vay qua tổ nhóm nhằm mở rộng cho vay tới hộ nông dân.

Trải qua những năm tháng khó khăn của thời kỳ tập trung bao cấp, tiếp đó chuyển sang kinh tế thị trường với nhiều bỡ ngỡ và không ít mặt trái, song đội ngũ cán bộ, nhân viên Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã có bước trưởng thành nhanh chóng, đã kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ ngân hàng đi trước, giữ vững phẩm chất đạo đức của người cán bộ ngân hàng và đã phấn đấu bền bỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị  được giao.
 
Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ của ngành, Agribank tỉnh Yên Bái luôn coi trọng công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng và nhà nước, hàng năm đều vận động CBNV nhiệt tình tham gia các chương trình ủng hộ từ thiện nhân đạo do các cấp phát động; như xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng trường học cho các cháu ở xã vùng cao; phong trào tương thân tương trợ đóng góp ủng hộ người nghèo, vùng bão lụt...
 
Vai trò lãnh đạo của Đảng thường xuyên được tăng cường, hoạt động đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên đã tạo động lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Các cấp ủy Đảng cơ sở như chi bộ, đảng bộ liên tục nhiều năm được công nhận là cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; nhiều năm là ngân hàng đứng đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều ngân hàng huyện, thị, cán bộ nhân viên được Đảng, Chính phủ, tỉnh Yên Bái và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

30 năm là khoảng thời gian ngắn so với lịch sử của đất nước, của ngành, nhưng với Agribank nói chung và Agribank Yên Bái nói riêng là cả quá trình vượt qua thử thách, gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành ngân hàng với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
 
Trong suốt quá trình hoạt động, thế hệ cán bộ, nhân viên Agribank Yên Bái luôn biết ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Ngân hàng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Việt Nam; sự hợp tác giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phát huy truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước và tỉnh Yên Bái đã đề ra.
 
Thực hiện định hướng chiến lược phát triển của Agribank Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Agribank Yên Bái xác định phương hướng nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể  trong giai đoạn 2016 - 2020 là nguồn vốn huy động tăng bình quân mỗi năm từ  15- 16%; dư nợ mỗi năm tăng 16-18%; xây dựng đơn vị hàng năm đạt danh hiệu ngân hàng trong sạch vững mạnh, Đảng bộ, Chi bộ trong sạch vững mạnh, đoàn thể xuất sắc.

Nguyễn Mạnh Hồng - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Yên Bái

 

Các tin khác
Sáng 29/3 giá vàng SJC tăng lên mức 81,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn tăng lên 71,23 triệu đồng/lượng. Sáng cùng ngày, giá vàng nhẫn tròn ở mức 70,5 triệu đồng/lượng, cao hơn 750.000 đồng so với ngày 28/3.

Các ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống sẽ được giám sát chặt chẽ

14 tổ chức tín dụng có tầm quan trọng trong hệ thống sẽ phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động, ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa gửi công điện hỏa tốc yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng cường cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tủ bếp gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Lâm Phong, Khu công nghiệp Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và đang trở thành một công cụ quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh và thương mại quốc tế. Việc tận dụng FTA không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, tăng cường cạnh tranh mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục