Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên, vụ đông xuân này, toàn huyện đưa vào gieo cấy 2.900 ha lúa xuân với cơ cấu giống lúa lai chiếm 60% diện tích, còn lại là giống lúa thuần. Riêng vùng Đại - Phú – An, Đông Cuông bố trí 100% diện tích lúa thuần Hương chiêm để phát triển thương hiệu gạo Hương chiêm của huyện. Tuy nhiên, đúng với thời điểm nông dân tập trung gieo cấy trà xuân sớm thì gặp thời tiết rét đậm, rét hại.
Trước tình hình đó, UBND huyện, chính quyền địa phương đã có những chỉ đạo kịp thời để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, huyện đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo chống rét cho cây trồng vật nuôi; ngành nông nghiệp huyện đã triển khai các biện pháp kỹ thuật chống rét cho mạ và lúa.
Đối với mạ: 100% diện tích mạ đã che phủ nilon; chuẩn bị tro rơm rạ hoặc tro bếp bón bổ sung giữ ấm chân mạ. Đối với những diện tích lúa đã cấy cần đưa nước vào để giữ ấm, duy trì mực nước 2 - 3cm, không được để khô ruộng. Mặc dù công tác phòng chống rét được huyện triển khai quyết liệt từ huyện đến cơ sở. Tuy nhiên, do ảnh hưởng liên tiếp của 2 đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 08/1 đến ngày 14/1 và từ ngày 28/1 đến ngày 11/2/2018, khiến nhiều diện tích lúa bị sinh trưởng, phát triển chậm.
Theo thống kê, toàn huyện có hơn 244 ha lúa, mạ bị hư hại, trong đó, khoảng trên 159 ha bị ảnh hưởng nặng, thiệt hại trên 70%, tập trung chủ yếu ở các xã: Đại Phác, An Thịnh, Ngòi A, Đông Cuông... Các giống lúa bị chết đa phần là giống lúa thuần cấy trước tết, khả năng chịu rét kém. Để nhanh chóng khắc phục thiệt hại, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương tập trung xuống cơ sở đôn đốc, hướng dẫn bà con khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục, chăm sóc lúa.
Ông Lưu Hồng Minh – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Để khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại, cán bộ ngành nông nghiệp huyện đã trực tiếp xuống cơ sở đôn đốc, hướng dẫn bà con khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục, chăm sóc lúa đông xuân. Cụ thể, đối với diện tích lúa thiệt hại trên 70% khuyến cáo bà con bừa đi cấy lại. Đối với diện tích thiệt hại từ 30 - 50%, có thể khắc phục được vận động nông dân xin mạ ở ruộng trong và ngoài thôn để cấy, dặm bổ sung. Còn đối với diện tích ảnh hưởng nhẹ, cây lúa đang phục hồi sinh trưởng các hộ dân phải tăng cường bón phân chuồng hoại mục, tro bếp, điều tiết nước vào ruộng để cây lúa phục hồi sinh trưởng. Với sự chỉ đạo tích cực, huyện đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy 2.900 ha lúa xuân đảm bảo đúng khung lịch thời vụ tốt nhất”.
Về xã An Thịnh, một trong những xã trọng điểm sản xuất lúa hàng hoá của huyện Văn Yên - một trong số địa phương thiệt hại nặng do rét đậm, rét hại. Nhìn các chân ruộng lúa đã bén rễ lên xanh, ít ai ngờ nhiều diện tích lúa xuân sớm ở đây đã phải cày đi cấy lại. Theo thống kê, toàn xã An Thịnh có 15,37 ha lúa, mạ trong tổng số hơn 234 ha lúa của toàn xã bị hư, hại. Trong đó, diện tích lúa thuần thiệt hại trên 70% là 14,88 ha.
Anh Nguyễn Hùng, thôn Làng Lớn, xã An Thịnh đang cấy dặm cho biết: "Chưa năm nào thời tiết đỏng đảnh như năm nay, tính riêng 2 đợt rét trước tết trong thôn nhiều diện tích lúa thuần trong thôn, trong xã bị chết. Nhà tôi may mắn cấy sau tết nên tránh được rét. Hiện gia đình tập trung làm cỏ, chăm sóc cho lúa”.
Trên thửa ruộng kế bên, chị Nguyễn Thị Huệ, xã An Thịnh đang làm cỏ lúa cho biết: "Vụ này gia đình cấy 5 sào bằng giống lúa thuần chủ lực là Thiên ưu 8 và Kim cương. Tuy nhiên, do rét đậm kéo dài gần 1 sào cấy trước tết bằng giống lúa Kim cương bị chết. Với quyết tâm không để ruộng trống, gia đình đã bừa lại, làm mạ khay ném nên đã hoàn thành gieo cấy trước ngày 25/2, đảm bảo khung thời vụ tốt nhất”.
Mặc dù bừa đi cấy lại tốn cả công sức lẫn chi phí sản xuất, nhưng với quyết tâm không để ruộng trống rất nhiều nông dân trong xã chạy đua với thời vụ gieo cấy hết diện tích, trong đó phải kể đến hộ gia đình: anh Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Văn Quân, Phạm Ngọc Thanh. Tính đến ngày 19/2, nông dân trong xã An Thịnh đã hoàn thành việc gieo cấy 234 ha lúa đông xuân đúng khung lịch thời vụ. Những ngày này, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo một vụ lúa đông xuân thắng lợi toàn diện.
Văn Thông