Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, song với sự nỗ lực, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Yên Bái đã hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Kinh tế duy trì được đà tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng; thu ngân sách vượt cao so với dự toán, đạt trên 2.500 tỷ đồng (tăng 9,3% so với 2016). Tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực với 15 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.000 tỷ đồng (tăng 10,2% so với cùng kỳ).
Thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực (thương mại tăng 14%, xuất khẩu tăng 35,9%, nhập khẩu tăng 14,9%); cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực...
Để đạt được những thành quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân có vai trò đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh. Trong năm qua, cùng với việc sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích khởi nghiệp, tích cực triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ.
Đến tháng 3/2018, toàn tỉnh đã có 1.774 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt gần 24.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2017 có 212 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 3.483 tỷ đồng (tăng 12,1% về số lượng, 202% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2016).
Tổng số tiền thuế các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách năm 2017 gần 993 tỷ đồng (tăng 13% so với năm 2016), chiếm 64% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh (không tính các khoản thu từ đất); trong đó, thu từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 495 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ 2016); các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 33.000 người lao động với mức thu nhập bình quân của người lao động khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư nên trong năm 2017 đã có 49 dự án đầu tư được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 10.798 tỷ đồng và 221 triệu USD (tăng 26,3% về số lượng dự án, 201% về vốn so với năm 2016).
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn thì doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh luôn chủ động, năng động, sáng tạo trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong tiếp cận, mở rộng thị trường; nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình, tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trong năm vừa qua (điển hình là đêm nhạc từ thiện do Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh tổ chức. Qua đó, đã quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt trên 2,2 tỷ đồng; một số doanh nghiệp đã điều động phương tiện, xe máy, nhân công đến hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt...).
Mặc dù tăng nhanh về số lượng, nhưng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh vẫn còn có những tồn tại, hạn chế nhất định, còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Đa phần các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; hạn chế về vốn, chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm còn mức độ, sức cạnh tranh thấp; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; kiến thức quản trị doanh nghiệp, khả năng cập nhật thông tin thị trường hạn chế; chưa xuất hiện nhiều doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá; chưa có nhiều doanh nghiệp có thương hiệu lớn.
Do đó, để cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh có sự phát triển bứt phá trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc với quyết tâm cao của các cấp, các ngành và cả cộng đồng xã hội để chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Năm 2018, Yên Bái bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh trước nhiều thách thức, từ những khó khăn nội tại của tỉnh, áp lực của xu thế toàn cầu hóa, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo ra cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh những thời cơ, vận hội lớn, nhưng cũng đòi hỏi các doanh nghiệp, doanh nhân phải chủ động thích ứng với sự thay đổi.
Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh nhân dịp đầu năm mới, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cam kết, chính quyền các cấp của tỉnh luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, doanh nhân; nỗ lực tối đa để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phát huy nguồn lực đầu tư trong xã hội, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, đóng góp thiết thực cho mục tiêu xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Hiện nay, tỉnh đang cố gắng hoàn thành sớm các thủ tục để đưa Trung tâm Hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động, đây cũng là nỗ lực nhằm mục tiêu cao nhất là đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, chính quyền các cấp của tỉnh sẽ tập trung tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Phát triển công nghiệp, dịch vụ theo các quy hoạch ngành, lĩnh vực và đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thực sự có năng lực về vốn, công nghệ, nhân lực; các dự án đầu tư công nghiệp chế tạo sử dụng công nghệ cao; chế biến sâu khoáng sản; chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp; phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ bán lẻ...”.
Cũng tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp nhân dịp đầu xuân 2018, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ huy động các nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Thí điểm huy động nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hình thức đối tác công tư.
Tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công chức, công vụ; xây dựng chính quyền điện tử, thiết lập cổng dịch vụ công trực tuyến; vận hành Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Từ đó, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng để tất cả doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cạnh tranh và phát triển lành mạnh.
Quang Thiều