Để đạt được mục tiêu này, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản trên hồ Thác Bà, tập trung vào quy hoạch diện tích mặt nước để nuôi cá quây lưới tại các eo ngách. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các hộ dân, nhóm hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi từ lồng tre hóp sang đóng mới lồng nuôi cá bằng các vật dụng kiên cố để nâng cao độ bền, thể tích chăn nuôi, với mục tiêu đến năm 2020 có trên 450 lồng có thể tích trên 100 m3, năng suất 2 tấn/lồng.
Không chỉ đa dạng các cách hỗ trợ cho phù hợp với nhu cầu của người dân mà những chính sách giúp người dân phát triển thủy sản mà huyện Yên Bình đang triển khai còn tiếp cận và mở rộng ra đối với các đối tượng có nhu cầu.
Ông Trần Quang Hồng ở thị trấn Yên Bình, mặc dù biết nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà cho thu nhập cao, song do còn thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn nên trước kia ông chưa dám thử sức. Nhưng từ khi biết địa phương có chính sách hỗ trợ nhân dân, ông Hồng đã mạnh dạn đăng ký và nhận được sự hỗ trợ, từ đó giúp ông yên tâm phát triển kinh tế.
Ông Hồng cho biết: "Trước đây, tôi sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm, cá trên hồ, nhưng vài năm gần đây sức khỏe yếu nên bỏ nghề. Việc nuôi cá lồng trên hồ là ý tưởng nhiều năm nay rồi, nhưng tôi chưa dám thực hiện. Được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tôi quyết tâm đầu tư 5 lồng cá”.
Chỉ trong 2 năm (2016, 2017), huyện Yên Bình đã hỗ trợ đóng mới 623 lồng nuôi cá; hỗ trợ nuôi cá quây lưới cho 36 cơ sở với tổng diện tích gần 200 ha; hỗ trợ một lần cho hộ gia đình cải tạo ruộng kém hiệu quả chuyển sang đào ao nuôi cá với tổng diện tích gần 3 ha.
Chính cách làm này, đã góp phần đưa năng suất, sản lượng trên mỗi héc - ta nuôi cá tăng từ 8 - 10 tấn/ha lên 13 - 15 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 100 -120 triệu đồng/ha, giúp người dân yên tâm với nghề nuôi trồng thủy sản.
Cùng với các giải pháp trên, để phát triển thủy sản theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, huyện còn nhân rộng các mô hình, đề tài, dự án khoa học có hiệu quả nhằm thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất để tạo nên một vùng hàng hóa tập trung chuyên cung cấp các sản phẩm thủy sản sạch cho thị trường.
Được biết, hơn 50 lồng cá của Công ty cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng dịch vụ khoa học - công nghệ Yên Bái được đầu tư từ năm 2009 có quy mô hiện đại trên diện tích 250 ha mặt nước là nhờ cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thủy sản của địa phương.
Trong hơn 1 năm qua, Công ty đã đưa vào nuôi nhiều giống cá mới có giá trị kinh tế cao cùng với công nghệ tiên tiến. Điểm mới của mô hình này là, áp dụng công nghệ nuôi cá lồng mới nhất của Na - uy có khả năng chống chịu được gió bão và giữ chúng lên xuống theo mực nước hồ từng mùa, nhằm quản lý số lượng cá nuôi nhốt.
Để cá sinh trưởng và phát triển tốt, bên cạnh nguồn thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn, Công ty còn bố trí cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi nhiệt độ trong các lồng nuôi để đảm bảo kịp thời khắc phục khi thời tiết quá nóng hay lạnh làm ảnh hưởng đến từng loại cá.
Nhằm hỗ trợ cho các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nuôi thủy sản trên vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đến thôn, hộ để nắm bắt và đăng ký thực hiện.
Đồng thời, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng mời gọi các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho các hộ tham gia thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản và đảm bảo 100% số hộ thực hiện chính sách đóng mới lồng nuôi cá và nuôi cá quây lưới đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật.
Phối hợp với Học viện Nông nghiệp Hà Nội tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật cho 85 hộ nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà và các hộ thực hiện các dự án khoa học về nuôi cá nheo, cá quây lưới. Qua đó đã hạn chế tối đa tình trạng dịch bệnh trên cá và từng bước nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản của huyện.
Với những lợi thế về mặt nước cùng với cơ chế, định hướng, chính sách phù hợp mà huyện Yên Bình đang triển khai, tin rằng nghề nuôi thủy sản của địa phương sẽ đạt những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Anh Dũng