BỐN DẤU MỐC VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY
Lâm trường Thác Bà (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thác Bà) thành lập năm 1960 - đó là dấu mốc thứ nhất. Dấu mốc thứ hai, năm 2010, Lâm trường chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH MTV. Dấu mốc thứ ba, năm 2017, Công ty triển khai thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối theo Nghị định 59 ngày 18/7/2011 của Chính phủ.
Phương án cổ phần hóa xây dựng xong, chờ kết quả xác định nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2017. Tuy nhiên, ngay hôm sau (1/1/2018), Nghị định 126 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV nhà nước nắm 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực, việc cổ phần hoá dừng lại do chưa đáp ứng một số tiêu chí quy định.
Các chuyên gia tư vấn, hoạch định chính sách đánh giá rất cao tính kịp thời của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126. Những người làm kinh tế rừng ở nhiều lâm trường, công ty lâm nghiệp đã thở phào khi trước đó họ "lo lắng” bởi quy định "nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm” và đặt câu hỏi sau 5 năm thì việc sử dụng đất có còn như mục đích, cam kết ban đầu, dù đã có quy định pháp luật ràng buộc. Dấu mốc thứ tư, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, năm 2025, Công ty sẽ triển khai phương án sáp nhập với 3 công ty TNHH MTV lâm nghiệp của tỉnh.
VƯỢT KHÓ, NĂNG ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN
Quay trở lại thời điểm đầu khi doanh nghiệp chuyển sang Công ty TNHH MTV: đất rừng quản lý trên 13.000 ha còn 1.058 ha, đo vẽ lại và cắm mốc ranh giới trình tỉnh phê duyệt còn 814 ha; lao động gần 100 người; nguồn vốn vay đầu tư ưu đãi không còn. Đổi mới tư duy để có cơ chế thúc đẩy sản xuất, Công ty đã giao khoán sản phẩm cho công nhân; liên kết đầu tư trồng rừng; làm dịch vụ sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Ông Hà Văn Thắng - Đội trưởng Đội Hoàng Thi cho biết: "Đội có 14 lao động, diện tích quản lý 200 ha. Toàn bộ diện tích giao khoán cho công nhân và liên kết với một số hộ dân trong vùng cùng đầu tư, "ăn chia” theo cơ chế 50/50. Rừng được chăm sóc, thâm canh, bảo vệ nên sản lượng gỗ khai thác từ 25 - 30 m3/ha trước đây đã tăng lên 80 - 90 m3/ha”.
Theo ông Nguyễn Vũ Nam - Trưởng phòng Kế hoạch Công ty: "Đất trồng rừng doanh nghiệp thuê của Nhà nước rồi giao khoán cho công nhân, sản phẩm trên đất không còn của Nhà nước mà của công nhân. Chính cơ chế mới đã thúc đẩy sản xuất và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người dân. Vốn đầu tư huy động nội bộ và trong dân để trồng, thâm canh rừng tăng lên; rừng thiết kế bài bản, chăm sóc tốt nên chu kỳ rút ngắn, sản lượng và giá trị đều tăng”.
Ông Lê Văn Nhen - Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Liên tục những năm gần đây, Công ty làm ăn có lãi, tài sản Nhà nước được bảo toàn. Năm 2024, tổng doanh thu đạt trên 6,838 tỷ đồng, đạt 105%; nộp ngân sách và thuế 480 triệu đồng, đạt 120%; nộp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên 1,530 tỷ đồng, đạt 102%; lợi nhuận đạt 200%”.
TÂM TƯ TRƯỚC SÁP NHẬP
Trong hơn 10 năm qua, lúc này là thời điểm "thái bình” với những người làm rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thác Bà. Vì vậy, về quan điểm hầu hết đồng thuận chủ trương, thống nhất nhận thức sắp xếp (sáp nhập) là để có bộ máy tinh, gọn hơn, tốt hơn; tài chính mạnh hơn để có thể thực hiện ước mơ đầu tư cho chế biến nhưng về tư tưởng ít nhiều có xáo trộn.
Ông Hà Văn Thắng - Đội trưởng Đội sản xuất Hoàng Thi thẳng thắn: "Rừng liên kết đầu tư mới 3 - 5 năm tuổi giải quyết thế nào? Sáp nhập gắn liền tinh giản con người, anh chị em làm nghề rừng (đã đóng BHXH) nếu nghỉ thì sẽ làm gì?”. "Tình hình tài chính của các công ty trong phương án sáp nhập rất khác nhau. Doanh nghiệp chúng tôi không nợ các khoản theo quy định, tài chính lành mạnh, lợi nhuận tăng trưởng, sáp nhập sẽ xử lý thế nào?” - ông Vương Tự Dung - Trưởng phòng Kỹ thuật đặt câu hỏi.
Ông Vũ Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Kỹ thuật cho rằng: "Trồng rừng là một quá trình. Nghề rừng đặc thù và có tính xã hội cao. Người dân đã có niềm tin rất lớn vào doanh nghiệp, nếu không xử lý hiệu quả những bất cập về tổ chức bộ máy, đất đai, tài chính… sẽ có những tác động khó khăn trong bảo vệ rừng”…
VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG
Chi bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thác Bà có 17 đảng viên. Chi bộ vừa tiến hành Đại hội lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025 - 2027. Nghị quyết Đại hội xác định: "Xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó để thống nhất cao trong chỉ đạo sản xuất, đảm bảo việc làm và tiếp tục nâng cao đời sống người lao động, hoàn thành mọi chỉ tiêu đề ra để làm nền tảng thực hiện tốt phương án sắp xếp (sáp nhập) theo chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy”.
Đồng chí Vương Quốc Đạt - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà chủ trì quán triệt chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Quốc Đạt - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty bày tỏ: "Lợi ích cá nhân gắn liền với lợi ích tập thể, doanh nghiệp thực hiện sáp nhập thì những lo lắng, băn khoăn của người lao động là dễ hiểu. Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản con người là việc phức tạp, rất khó khăn nhưng để chuyển mình thì phức tạp, khó khăn mấy cũng quyết tâm làm và làm thật tốt”.
Sẵn sàng tâm thế để triển khai thực hiện phương án của Ban Chỉ đạo tỉnh, cấp ủy đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thống nhất về tư tưởng, hành động trong cán bộ, đảng viên và người lao động. "Trước hết là trong cấp ủy, các tổ trưởng tổ đảng, đội trưởng đội sản xuất phải thật thông suốt về nhận thức, tư tưởng.
Đặc thù và hiện trạng các công ty sẽ sáp nhập rất khác nhau, sẽ có lộ trình từng bước đi và giải pháp xử lý những tồn đọng, tháo gỡ khó khăn” - đồng chí Trần Đức Tuấn - Tổ trưởng Tổ đảng số 2 cho biết 75 cán bộ, công nhân, nhân viên ở 4 phòng ban, 5 đội sản xuất của Công ty thống nhất cao như vậy. Đồng thời, với chuẩn bị các phần việc phục vụ sáp nhập, Chi ủy chỉ đạo quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025: trồng 250 ha rừng, khai thác 120 ha, tiêu thụ 7.500 m3, doanh thu 5 tỷ đồng, hoàn thành đầy đủ các khoản nộp ngân sách, duy trì thu nhập bình quân của người lao động 7 triệu đồng/tháng. Ngay lúc này, chuẩn bị thật tốt khâu chuẩn bị đất để trồng 60 ha bạch đàn, 10 ha keo trong vụ xuân; bảo vệ tốt diện tích đất rừng được giao quản lý.
Một công việc khó nhưng rất quan trọng và cấp bách, Lâm trường Thác Bà (tên gọi cũ) sau 65 năm hoạt động đang đứng trước cơ hội để cùng "vươn mình” bước vào thời kỳ phát triển mới. Sẽ có những khó khăn, thách thức và cả những hy sinh - tất yếu của một "cuộc cách mạng”, nhưng vượt qua những khó khăn, thách thức đó, doanh nghiệp chắc chắn sẽ lớn mạnh hơn, rừng sẽ xanh hơn và giàu hơn hôm nay.
Tuấn Anh