Trong những năm qua, công tác sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được tỉnh Yên Bái tập trung chỉ đạo và coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN). Nhận thức của xã hội về vai trò và ý nghĩa của việc bảo hộ các đối tượng SHTT đã được nâng cao và đạt được những kết quả nhất định.
Trên cơ sở Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT, tỉnh Yên Bái ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa việc thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước về SHTT trong các lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) và hoạt động sáng kiến phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 12/6/2015 về việc Ban hành quy chế xét tặng giải thưởng KHCN tỉnh Yên Bái; Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND ngày 24/4/2015 quy định quản lý nhà nước về hoạt động SHCN trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 về công nhận sáng kiến trên địa bàn tỉnh Yên Bái...
Việc ban hành các văn bản quy phạm trên nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về SHTT, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động SHTT và đẩy mạnh hoạt động phát triển tài sản trí tuệ tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật SHTT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật SHTT luôn được quan tâm và đẩy mạnh. Nhận thức của xã hội về vai trò và ý nghĩa của việc bảo hộ các đối tượng SHCN, quyền tác giả, quyền liên quan và quyền đối với giống cây trồng đã được nâng cao và đạt được những kết quả nhất định.
Đã có nhiều hoạt động cụ thể triển khai công tác này thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phong phú để phù hợp với từng đối tượng cụ thể như tổ chức hội thảo, hội nghị tập huấn, phát hành tài liệu, sách, báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet...
Qua đó, tạo ra động lực mạnh mẽ khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền SHCN để bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động về SHTT trên địa bàn tỉnh và giúp các địa phương, các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.
Trong những năm gần đây, số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHCN trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng và loại hình đăng ký bảo hộ, tính đến nay tổng số đơn đăng ký bảo hộ quyền SHCN là 269 đơn, trong đó 232 đơn đăng ký nhãn hiệu (223 nhãn hiệu, 6 nhãn hiệu tập thể, 3 nhãn hiệu chứng nhận), 20 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 15 đơn sáng chế/ giải pháp hữu ích, 2 đơn chỉ dẫn địa lý.
Số văn bằng được Cục SHTT cấp là 164 văn bằng, trong đó 143 văn bằng nhãn hiệu (134 nhãn hiệu thường, 6 nhãn hiệu tập thể, 3 nhãn hiệu chứng nhận), 13 văn bằng kiểu dáng công nghiệp, 6 văn bằng sáng chế/ giải pháp hữu ích, 2 văn bằng chỉ dẫn địa lý.
Thông qua các Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương và địa phương, đến nay đã tiến hành đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ SHTT cho 11 sản phẩm đặc sản của địa phương, gồm: 2 Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ của huyện Văn Yên và sản phẩm gạo Mường Lò; 3 nhãn hiệu chứng nhận (chè Suối Giàng, Bưởi Đại Minh, sơn tra Mù Cang Chải); 6 nhãn hiệu tập thể (gạo chiêm hương Đại - Phú - An, hồng chùm không hạt Lục Yên, cam Lục Yên, cam Văn Chấn, miến đao Giới Phiên, gạo nếp Tú Lệ).
Hiện đang tiến hành từng bước xây dựng và đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ba ba gai Văn Chấn; nhãn hiệu chứng nhận cá hồ Thác Bà, nhãn hiệu tập thể cho gạo Bạch Hà.
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực SHTT trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cường, số lượng văn bằng chứng nhận bảo hộ tăng nhanh trên 5 lĩnh vực (nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp).
Hoạt động thông tin tuyên truyền về lĩnh vực sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp, tài sản trí tuệ đã được coi trọng; đã bước đầu làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký quyền SHCN.
Nhận thức của xã hội về vai trò và ý nghĩa của việc bảo hộ các đối tượng SHTT đã được nâng cao, hạn chế tình trạng vi phạm quyền SHTT trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thu Hường (Sở Khoa học và Công nghệ)