Ông Dũng là thành viên Chính phủ thứ 5 được mời làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm trong một ngày rưỡi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách.
Không nâng thuế giá trị gia tăng
Nêu định hướng một số luật thuế, ông Dũng cho biết về Luật Thuế giá trị gia tăng, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân, chuyên gia, các cơ quan, giữ mức thuế phổ thông ở mức 10%, không nâng lên 11 – 12% như dự thảo ban đầu. Kết cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế 0%, 5%, đảm bảo công bằng, hạn chế các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế làm mất tính trung lập của thuế.
Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.
Liên quan đến thuế tài sản, Bộ trưởng khẳng định nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, dảm bảo công tác phòng chống tham nhũng.
"Mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu. Phương án ban đầu nghiên cứu đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới", Bộ trưởng khẳng định.
Kỷ luật chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương
Kỷ luật, kỷ cương tài chính là vấn đề luôn được đại biểu đề cập với không ít phàn nàn về sự lãng phí lớn, không chấp hành nghiêm nghị quyết của Quốc hội.
Đúng như Đại biểu Quốc hội nêu, tình trạng chấp hành kỷ luật ngân sách nhà nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận.
Không chỉ ở cả Trung ương và địa phương, mà theo Bộ trưởng kể cả ở các cơ quan nhà nước lẫn các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng chưa chấp hàng nghiêm kỷ luật tài chính.
Cụ thể, trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế còn xảy ra ở nhiều nơi, một phần trong số này đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện và truy thu.
Một trong các nguyên nhân được Bộ trưởng đề cập là sự thay đổi cơ chế quản lý về thuế, từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro. Theo đó, các doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế, làm thủ tục hoàn thuế qua mạng điện tử, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế, hải quan với doanh nghiệp và người nộp thuế.
Bộ trưởng khẳng định, việc chuyển đổi cơ chế quản lý này là phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Tuy nhiên, cơ chế này cũng còn kẽ hở để cho các đối tượng nộp thuế lợi dụng, chiếm đoạt tiền thuế.
"Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng đây là hướng đi đúng, cần kiên trì thực hiện. Vấn đề là phải có những giải pháp để khắc phục điểm yếu của cơ chế này", Bộ trưởng nêu quan điểm.
(Theo Vneconomy)