Năm 2016, huyện Văn Chấn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng Quy hoạch phát triển vùng cam Văn Chấn giai đoạn 2016 - 2020. Theo Qui hoạch này, huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng mới 1.400 ha, trồng tái canh 500 ha, thâm canh 500 ha, ứng dụng công nghệ tưới hiện đại 100 ha, 2.000 ha vườn sản xuất hàng hóa theo chuẩn VietGAP.
Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển vùng cam, Văn Chấn xác định rõ các giải pháp cụ thể. Trước hết là khâu giống, chỉ sử dụng giống cam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sạch bệnh, đủ tiêu chuẩn, qui trình kĩ thuật và được cấp phép cung ứng.
Việc đa dạng các giống cam chín sớm, chín chính vụ, chín muộn nhằm kéo dài thời gian thu hoạch của vùng sản xuất, giảm áp lực cung cầu trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó tập trung thay thế những vườn cam già cỗi bằng các giống mới chất lượng cao, thời gian chín rải vụ như cam Vinh, Valencia, CS1.
Cơ cấu qui hoạch các giống cam: sành 20%, V2 15%, lòng vàng 25%, Đường canh 10%, chanh 10%, Vinh 10%, còn lại 10% trồng xen giống khác. Căn cứ nhu cầu trồng mới hàng năm, năng lực khai thác mắt ghép thực tế, khả năng cung ứng giống của các vườn ươm giống trong và ngoài tỉnh, huyện quy hoạch qui mô vườn ươm phù hợp, đảm bảo lượng giống, đáp ứng nhu cầu giống mới thay thế giống cũ đồng thời tổ chức chọn lọc, phục tráng giống quýt sen tại địa phương.
Đối với yếu tố kỹ thuật, Văn Chấn áp dụng quy trình trồng mới, trồng lại theo kỹ thuật tiên tiến và khuyến cáo trồng cam xen ổi để xua rầy chổng cánh, hạn chế bệnh vàng lá Greening. Thực hiện hiệu quả về mặt kỹ thuật, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến cam cũng như phối hợp với các đơn vị khoa học trong việc tiếp cận, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh cây cam, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Văn Chấn là một trong hai địa phương đầu tiên của tỉnh Yên Bái thực hiện mô hình trồng, chăm sóc cam theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP tại thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La từ năm 2015, đảm bảo chất lượng cam an toàn, quá trình sản xuất đòi hỏi hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Về mặt cơ sở hạ tầng, Văn Chấn tập trung nâng cấp các tuyến đường hiện có để tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chuyên chở sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Huyện phấn đấu nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông liên xã, trục thôn với tổng chiều dài 212 km và đến năm 2020 cơ bản sẽ bê tông xi măng, thảm nhựa các tuyến đường trục thôn, đường vào khu sản xuất.
Ngoài ra, huyện đầu tư xây dựng mới 6 trạm bơm, 7 bể chứa công suất lớn, bể chứa tại chỗ sử dụng vật liệu bạt nhựa dẻo hoặc bể bê tông tự chảy phục vụ cho vùng cam có diện tích tập trung, thuận lợi về nguồn nước để lắp đặt, vận hành hệ thống máy bơm và hệ thống ống dẫn cho xã, thị trấn.
Giải pháp về vốn, Văn Chấn tập trung và ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, phối hợp và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn để đầu tư xây dựng những công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh cùng với khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: trồng cam, xây dựng điểm thu mua, nhà máy chế biến, bảo quản nông sản…
Đồng thời, huyện sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách hàng năm, vốn từ các chương trình, dự án… để ưu tiên đầu tư phát triển nhanh hệ thống hạ tầng sản xuất của vùng cam cũng như tập trung hỗ trợ trồng mới và trồng lại, hỗ trợ chăm sóc cam kinh doanh, hỗ trợ kinh phí cấp chứng nhận VietGAP…
Nâng cao khả năng tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường, Văn Chấn quan tâm xây dựng chợ đầu mối thu mua, vận chuyển cam tại ngã ba dốc Đỏ thị trấn Nông trường Trần Phú giáp quốc lộ 32 nhằm mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng kho bảo quản, nhà sơ chế phân loại, đóng gói và vận chuyển cam đi tiêu thụ; xây dựng một khu trưng bày, giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản, đặc biệt ưu tiên sản phẩm cam; thành lập hợp tác xã trồng cam và dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương trong vùng trồng cam.
Huyện tích cực, chủ động tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các chợ đầu mối nông sản, hội chợ, hệ thống phân phối ngoài tỉnh và ra nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng qua mạng Internet, đưa sản phẩm cam sành lên sàn giao dịch điện tử của Sở Công thương Yên Bái. Trong xu thế hiện nay, Văn Chấn đặc biệt quan tâm việc xây dựng mối liên kết trong sản xuất để đẩy mạnh quá trình tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong các siêu thị ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Từng bước thực hiện các giải pháp đề ra, huyện Văn Chấn phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Quy hoạch phát triển vùng cam đến năm 2020: năng suất cam trung bình hơn 15 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 200 - 250 triệu đồng/ha, đảm bảo giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Nguyễn Thơm