Chi phí không chính thức (CPKCT) là thuật ngữ dùng để chỉ loại chi phí mà doanh nghiệp tự nguyện hoặc bị ép buộc chi trả cho cơ quan, cá nhân có liên quan trong quá trình kinh doanh, đặc biệt khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc khi giao dịch với cơ quan nhà nước và đây cũng là chỉ số thành phần quan trọng cấu thành PCI.
Chỉ số này được đo lường bằng các chỉ tiêu đánh giá mức độ tác động của vấn đề bằng cách lượng hóa tần suất xảy ra, loại chi phí và quy mô các khoản phí phát sinh thêm.
Đó là: tỷ lệ % số doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề cũng phải trả thêm các khoản CPKCT, tỷ lệ % số doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT, mức độ nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, tỷ lệ công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả CPKCT và ý kiến của doanh nghiệp về các khoản CPKCT ở mức chấp nhận được.
Theo bảng xếp hạng PCI năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Yên Bái xếp thứ hạng 46/63 tỉnh, thành phố cả nước với 60,72 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2016 và 5 bậc so với năm 2015.
Tuy có tăng bậc, nhưng trong 10 chỉ số cấu thành nên PCI thì Yên Bái có 7 chỉ số giảm điểm gồm: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, CPKCT, tính năng động của lãnh đạo và cạnh tranh bình đẳng.
Đáng chú ý, là chỉ số CPKCT giảm điểm và rơi sâu trên bảng xếp hạng. Theo bảng điểm và vị trí các chỉ số thành phần PCI năm 2017, chỉ số CPKCT của tỉnh Yên Bái đạt 4,31 điểm, giảm 0,91 điểm và giảm 20 bậc so với năm 2016, xếp 56/63 tỉnh, thành.
Cũng theo số liệu PCI năm 2017 của tỉnh Yên Bái do VCCI báo cáo cho thấy, vẫn còn 14% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản CPKCT.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp phải chi cho các mối quan hệ, các chi phí ngoài quy định là không thấp; 53% doanh nghiệp có chi trả CPKCT trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai; 60% là nhận định của doanh nghiệp về việc chi trả CPKCT là điều bắt buộc để bảo đảm trúng thầu. 52% doanh nghiệp phản hồi có chi trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra; 73% ý kiến của doanh nghiệp về các khoản CPKCT ở mức chấp nhận được.
Kết quả trên cho thấy, việc doanh nghiệp phải bỏ ra CPKCT thức mới giải quyết được công việc khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước còn diễn ra khá phổ biến. Hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên, một phần là do tâm lý muốn nhanh được việc của nhà đầu tư, doanh nghiệp nên họ sẵn sàng bỏ ra CPKCT để đạt được kết quả như mong đợi.
Nguyên nhân còn lại là do thái độ làm việc của một số cán bộ công chức cố tình gây nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp. Minh chứng rõ nhất là con số 55% doanh nghiệp nhận định tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và có đến 72% doanh nghiệp đánh giá công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi trả CPKCT.
Việc gia tăng CPKCT sẽ làm tăng gánh nặng của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu tư, giá thành sản phẩm, việc minh bạch vốn của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khó được nâng cao.
Đặc biệt là CPKCT lớn thì doanh nghiệp sẽ cảm thấy quan ngại với các quyết định đầu tư và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh môi trường kinh doanh trong sạch và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm dần CPKCT, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự cho doanh nghiệp, hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bình đẳng.
Tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ công chức. Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục hành chính và niêm yết công khai tại các sở, ngành và địa phương, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.
Tăng cường sự công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc cho các nhà đầu tư, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị, nếu xẩy ra tham nhũng, kiên quyết xử lý các vi phạm hoặc có dư luận không tốt của doanh nghiệp nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để dần loại bỏ CPKCT, bên cạnh sự năng động và quyết tâm của chính quyền địa phương, sự chuyên nghiệp mẫn cán của cán bộ công chức thì cần sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp.
Văn Thông