Yên Bái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/6/2018 | 6:23:27 AM

YBĐT - Sáng nay 26/6, UBND tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Hội thảo cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Nhân dịp này, Báo Yên Bái xin giới thiệu một số kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm qua.

Cây bưởi đặc sản mang lại thu nhập cao cho người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình.
Cây bưởi đặc sản mang lại thu nhập cao cho người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình.

Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Yên Bái xác định là nhiệm vụ cốt lõi trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đối với một tỉnh miền núi như Yên Bái, những năm qua, vấn đề này thể hiện hết sức rõ nét khi kinh tế nông hộ nâng cao, người dân phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. 

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Yên Bái đã nhanh chóng đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020”. 

Việc tổ chức thực hiện Đề án này gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, 8 đề án thành phần tập trung vào các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, thủy sản có lợi thế của từng địa phương, từng vùng. Đây chính là đòi hỏi và cũng là cơ hội giúp các địa phương ưu tiên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có tính lợi thế so sánh để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, duy trì phát triển bền vững. 

Tạo thuận lợi tối đa và mang tính tạo đà, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất với người dân. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Trung ương, hàng năm Yên Bái đã bố trí từ nguồn ngân sách địa phương khoảng 45 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương đăng ký triển khai thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: trồng lúa chất lượng cao ở huyện Văn Chấn, Văn Yên và Lục Yên; trồng rau sạch ở thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên; trồng tre măng Bát độ ở huyện Trấn Yên; vùng cây ăn quả đặc sản ở huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn... 

Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc phát triển làng nghề có thế mạnh và có tiềm năng phát triển của các địa phương cũng đã được tỉnh và ngành nông nghiệp chú trọng quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền. Làng nghề miến đao Giới Phiên ở thành phố Yên Bái, tranh đá quý huyện Lục Yên, dệt thổ cẩm xã Nghĩa An của thị xã Nghĩa Lộ, dâu tằm và miến dong huyện Trấn Yên, đan rọ tôm huyện Yên Bình, sản xuất mỹ nghệ thủ công từ cây quế huyện Văn Yên... là các làng nghề vừa giữ nghề truyền thống vừa khai thác thế mạnh, nắm bắt xu hướng phát triển đã mang lại hiệu quả kinh tế, ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống của người dân địa phương. 

Phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với điều kiện của các địa phương đã đáp ứng được mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, của mỗi địa phương đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Xu thế tất yếu hiện nay là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Yên Bái nắm bắt và theo sát. Trong quá trình thay đổi và thích ứng với nhu cầu của thị trường cũng tạo ra cơ sở để góp phần đưa tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp mỗi năm giảm từ 1% - 1,5%.

Giai đoạn 2011 - 2017, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 74,14% xuống còn 66,66% và đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 121 xã (chiếm 77,07%) đạt tiêu chí số 12 về lao động có việc làm thường xuyên. Mặt khác,tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51% (kế hoạch là 50,5%), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35% (kế hoạch là 34,8%). Đến hết năm 2017, Yên Bái có 91 xã (chiếm 57,96%) đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2017 còn 21,97%, giảm trung bình khoảng 4%/năm trong giai đoạn vừa qua và hiện có 49 xã (chiếm 29,93%) đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo. 


Tính đến thời điểm ngày 15/6/2018, tỉnh Yên Bái đã có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 36 xã đã được công nhận, 1 xã đã hoàn thành công tác thẩm định, 1 xã đã hoàn thành hồ sơ thẩm định. Điều đó thể hiện thực tế thuyết phục, khi kinh tế ngày càng nâng cao, người dân cùng đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới bởi họ vừa là người kiến thiết xây dựng vừa là người được thụ hưởng trực tiếp thành quả.

Đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh Yên Bái xác định là một phần quan trọng trong tái cơ cấu tổng thể kinh tế. Tỉnh tích cực chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị. Đây được coi là một trong những khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh hiện nay. 

Những năm qua, tình trạng được mùa mất giá, việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào tư thương và do thị trường quyết định, sản xuất nhỏ lẻ không theo chuỗi giá trị diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Yên Bái chưa phải là lớn nhưng nhà nông Yên Bái cũng đã bao lần lao đao, khốn khó trước giá cả nông sản không ổn định và mất giá. 

Đó là giá nhím, giá sắn giảm thấp ở huyện Văn Yên, Yên Bình trong những năm qua và mới đây nhất là chăn nuôi lợn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá nông sản nói chung và giá lợn hơi xuống thấp, không ổn định trong thời gian qua là do phát triển sản xuất không theo nhu cầu thị trường; sản xuất tự phát quá lớn, không sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín; chưa có dự tính, dự báo về thị trường đầu ra; chưa có địa chỉ để tiêu thụ sản phẩm. 

Tại các hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái ở các cấp, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những hạn chế; trong đó, khẳng định muốn sản xuất hiệu quả, bền vững thì phải xây dựng được mối liên kết trong chuỗi giá trị từ người sản xuất, người chế biến, người phân phối tiêu thụ và người tiêu dùng. 

Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị khá hiệu quả. 

Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã triển khai thực hiện 12 đề tài, dự án: xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm từ cây quế tại huyện Văn Yên; xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành chè tỉnh Yên Bái; xây dựng chuỗi cung ứng nông sản chủ yếu ở huyện Trấn Yên; xây dựng mô hình liên kết sản xuất cam theo chuỗi giá trị và đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Văn Chấn, Lục Yên... 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành 13 chuỗi liên kết, trong đó có 3 chuỗi chăn nuôi liên kết theo hình thức khép kín được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, điển hình là Công ty TNHH Đầm Mỏ tại thôn Bảo Thịnh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái. Công ty có trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn nhất, hiện đại nhất tỉnh Yên Bái gồm 400 con lợn nái, 2.000 con lợn thương phẩm. 

Quy trình chăn nuôi của doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Trong "cơn bão” giá lợn suy giảm năm 2017, rất nhiều trang trại bị phá sản nhưng nhờ sự liên kết với Công ty De Heus Việt Nam và Công ty Thực phẩm sạch Vinh Anh - Hà Nội thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp không những đã vượt qua khó khăn mà còn được xếp vào tốp 100 doanh nghiệp uy tín của Thương hiệu Vàng Thăng Long. 

Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Đầm Mỏ khẳng định: "Liên kết theo chuỗi sản phẩm là một hướng đi tất yếu buộc người chăn nuôi, chủ trang trại, công ty phải làm theo. Xây dựng liên kết chuỗi sẽ giúp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất rõ ràng nguồn gốc và quan trọng hơn là giải quyết tốt vấn đề cung cầu”. 

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Trung Thành ở xã Yên Hợp, huyện Văn Yên mới thành lập chưa tròn một năm nhưng là một mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khá hiệu quả. Hợp tác xã liên kết với Công ty Nông lâm Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và Công ty An Việt - Hà Nội thu mua sản phẩm lạc, khoai tây cho nông dân. Bà Trần Thị Tình - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Sản xuất nông nghiệp hiện nay, vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là một xu thế tất yếu. Nếu chúng tôi không tìm được doanh nghiệp để liên kết thì rất khó tồn tại khi mà từ trước đến giờ, nông dân luôn loay hoay với bài toán được mùa rớt giá. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân mà còn giúp sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững".

Với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, vấn đề xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp Yên Bái hiện nay, sự liên kết lại càng cần thiết, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. 

Nguyễn Thơm - Hồng Duyên

Các tin khác
Cải thiện môi trường kinh doanh thực hiện quá chậm so với yêu cầu.

Tính đến tháng 6, Bộ Công Thương thực sự bãi bỏ 600 điều kiện kinh doanh trong khi yêu cầu cần bãi bỏ trên 2.000 điều kiện kinh doanh.

Nông dân xã Cao Phạ tập trung gieo cấy vụ mùa.

YBĐT - Những ngày này, nông dân huyện Mù Cang Chải đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa 2018. Tại các địa phương, công tác tuyên truyền không còn phải vất vả tuyên truyền như trước đây. Lịch thời vụ, cơ cấu giống được người dân nắm rõ, chủ động trong từng khâu sản xuất...

Cầu treo Nậm Đông bị hư hỏng do bão lũ gây ra vào tháng 10 năm 2016, được sửa chữa vào tháng 7/2017 song đã bị đứt cáp, sập vào 0 giờ 5 phút ngày 22/6 vừa qua.

YBĐT - Vào hồi 0 giờ 5 phút ngày 23/6, cầu treo Nậm Đông thuộc địa phận xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) nằm trên tuyến đường từ xã Nghĩa An đi xã Túc Đán (huyện Trạm Tấu) đã bị đứt cáp, rơi xuống lòng suối gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân địa phương.

Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc vào năm 2019. Trong ảnh  là Tàu Shinkansen của Nhật vận hành tốc độ 300 km/h

Nếu làm đề án tốt, thời điểm chạy tàu tốc độ cao 350 km mỗi giờ có thể được rút ngắn, thực hiện từ 2040 thay vì sau năm 2050.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục