Trạm Tấu: Nhân giống sơn tra bằng ghép cành

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/7/2018 | 8:05:10 AM

YBĐT - Với giá trị đem lại, trên địa bàn tỉnh, cây sơn tra đang được quan tâm đầu tư phát triển và bước đầu đã hình thành vùng trồng sơn tra tương đối tập trung tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Chuyển cây gốc ghép sang bầu lớn để chăm sóc tại vườn ươm.
Chuyển cây gốc ghép sang bầu lớn để chăm sóc tại vườn ươm.


Đến tháng 8/2017, toàn tỉnh có 5.060 ha sơn tra. Đề án "Phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020” của tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích trồng cây sơn tra toàn tỉnh đạt 10.000 ha.

Tuy nhiên, việc sản xuất cây giống sơn tra hiện nay vẫn chủ yếu theo phương thức nhân giống hữu tính (gieo hạt và ươm trong bầu đất), khi cây giống đạt tiêu chuẩn thì đem đi trồng. Phương thức này dễ làm, ít tốn công, giá thành cây giống thấp nhưng cây giống bằng hạt có độ phân ly cao, không đồng nhất, đặc biệt là thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài từ 4 đến 5 năm sau trồng cây mới cho quả, tỷ lệ cây không cho quả còn cao.
 
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của nhiều đơn vị, tổ chức cho thấy phương pháp ghép cành để nhân giống sơn tra đạt hiệu quả cao nhất trong các phương pháp vô tính: cây giống có độ đồng đều cao và giữ nguyên được đặc tính di truyền của cây đã được tuyển chọn (cành ghép được khai thác từ cây đầu dòng, rừng giống, có năng suất ổn định và chất lượng tốt), rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản.
 
Nghiên cứu của Trung tâm Lâm nghiệp Tây Bắc đã trồng cây sơn tra ghép tại Trạm Tấu từ năm 2014 cho thấy, sau 2,5 năm đã cho quả bói, trong khi cây trồng bằng gieo hạt năm thứ 5 mới cho quả bói.

Từ thực tế đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái (nay là Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh) đã triển khai thực hiện Dự án: "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống sơn tra (táo mèo) bằng phương pháp ghép cành tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái" do thạc sỹ Nguyễn Thành Hưng làm chủ nhiệm. Dự án nhằm mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng vườn sản xuất giống sơn tra bằng phương pháp ghép cành nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, phát triển của cây sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản.
 
Trong 3 năm (2015 - 2017), Dự án đã xây dựng vườn ươm 400 m2 tại khu 3, thị trấn Trạm Tấu, triển khai thực hiện ghép cành sơn tra trên tổng số 11.093 cây gốc ghép. Cây gốc ghép qua tuyển chọn được ươm, chăm sóc trong bầu đất. Cành ghép được khai thác từ 11 cây sơn tra trội đã được tuyển chọn và công nhận.
 
Đến thời điểm nghiệm thu, có 6.502 cây ghép sống đã bật mầm, trong đó  4.280 cây đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn, sau đó đã được bàn giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Trạm Tấu phục vụ trồng rừng. Còn lại, 2.222 cây chưa đạt tiêu chuẩn xuất vườn (do ảnh hưởng của thời tiết bất thường trong quá trình triển khai gồm đợt rét hại xảy ra vào tháng 1/2016 và mưa kéo dài liên tục trong tháng 7/2017 tại Trạm Tấu làm cho cây sinh trưởng chậm hơn so với dự kiến) được đơn vị chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Trạm Tấu tiếp tục quản lý, chăm sóc, đến nay cũng đã đạt tiêu chuẩn xuất vườn và sẽ được tiếp tục bàn giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Trạm Tấu để trồng rừng.

Ông Lê Xuân Thành - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái cho biết: "Kết quả của Dự án đã khẳng định chắc chắn việc nhân giống sơn tra bằng phương pháp ghép là thành công tại tỉnh Yên Bái. Thông qua quá trình triển khai nhiệm vụ, cán bộ kỹ thuật của đơn vị, cơ sở đã nắm chắc được kinh nghiệm thực tế quá trình nhân giống cây sơn tra ghép, đảm bảo được tỷ lệ nhân giống cũng như chất lượng cây giống sản xuất ra. Trong năm nay, Trung tâm sẽ mở 2 lớp tập huấn cho người dân tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải về kỹ thuật ghép cành sơn tra”.

 Cũng trên cơ sở kết quả Dự án, Trung tâm tiếp tục được giao là đơn vị sản xuất cây sơn tra ghép phục vụ Dự án "Thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống sơn tra bằng phương pháp ghép trên địa bàn huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải” được phê duyệt theo Quyết định 2785/QĐ-UBND ngày 9/11/2017 của UBND tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ Dự án. Theo quyết định này, từ năm 2017 - 2020 sẽ sản xuất 103.200 cây giống sơn tra ghép cành đạt tiêu chuẩn, hỗ trợ người dân Trạm Tấu trồng 50 ha, huyện Mù Cang Chải 100 ha, mật độ 625 cây/ha.
 
Theo lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh, Trung tâm đang thực hiện xây dựng 2 vườn ươm tại Trạm Tấu và Mù Cang Chải và đã nhập xong 120.000 cây gốc nhằm sản xuất 103.200 cây giống sơn tra ghép cành đạt tiêu chuẩn. Theo tiến độ, đến tháng 11 năm nay sẽ thực hiện ghép cành và xuất vườn cây giống vào tháng 8 - 9 năm 2019 số cây đạt chuẩn, tiếp tục chăm sóc số cây còn lại để đạt chuẩn và xuất trong quý I năm 2020.

Hạnh Quyên

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục