Yên Bái hướng tới phát triển nghề dâu tằm bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/8/2018 | 8:04:40 AM

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có khoảng 350 ha dâu, trong đó, huyện Trấn Yên chiếm khoảng 90% diện tích, chủ yếu tập trung tại các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành. 

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan né gỗ vuông cho tằm làm kén tại huyện Trấn Yên.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan né gỗ vuông cho tằm làm kén tại huyện Trấn Yên.

Do có khí hậu mát, nên có thể nuôi tằm kén trắng lưỡng hệ quanh năm để sản xuất ra tơ có chất lượng cao. Tuy nhiên, năng suất lá dâu ở Trấn Yên - Yên Bái chưa cao và năng suất kén thu được trên một héc - ta dâu mới chỉ đạt 1.500 kg.


Qua đánh giá của ngành chuyên môn, một trong những nguyên nhân cơ bản là Yên Bái chưa có giống dâu, tằm phù hợp; việc canh tác của người dân còn dựa vào kinh nghiệm là chính. Về giống dâu, trên địa bàn chủ yếu trồng các giống dâu mới từ hạt như: Sa Nhị Luân, Quế Ưu 62, Quế Ưu 12, GQ 2… cho năng suất đạt 28 tấn/ha/năm. Trong khi đó, nếu thâm canh tốt năng suất sẽ đạt 40 tấn/ha/năm.
 
Về giống tằm, hiện nay 90% các hộ nuôi tằm bằng giống LQ 2 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Giống này chủ yếu được nhập bằng đường tiểu ngạch, không qua kiểm soát; do vậy, chất lượng trứng, giống bấp bênh, không ổn định.
 
Cùng với đó, Yên Bái chưa có cơ sở ươm tơ tự động, kén tằm sản xuất ra đều bán cho tư thương ở các tỉnh khác, giá bán bấp bênh, không ổn định. Không có hợp đồng với các hộ nông dân nên dễ xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi tằm.
 
Ông Tăng Xuân Bình - Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc cho biết: tỉnh Yên Bái, đặc biệt là huyện Trấn Yên có rất nhiều tiềm năng phát triển trồng dâu, nuôi tằm dù hiện tại sản lượng 1 ha dâu cho 3 tấn kén tằm chỉ bằng 1/3 so với ở Trung Quốc. Nhưng với giá tơ như hiện tại thì 1 ha cho thu nhập từ 300 triệu đến 400 triệu đồng/năm. Công ty mong muốn cùng góp sức với bà con để đưa thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm trên 1 ha phải đạt bình quân từ 450 triệu đến 500 triệu đồng/năm.
 
Công ty đã thành lập chi nhánh và triển khai xây dựng nhà máy ươm tơ tự động tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên để đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào giúp bà con trồng dâu nuôi tằm đúng bài bản, chất lượng kén tốt hơn thì giá sẽ cao hơn. Cùng với áp dụng tiến bộ mới trong trồng dâu, Công ty đã đưa vào kỹ thuật né gỗ vuông trong ươm kén để mỗi con tằm chỉ nằm ở một kén.

Ông Bình cho biết thêm: người nông dân đã nuôi tằm vất vả lắm mới ra kén mà bây giờ hai con tằm làm chung một tổ sẽ trở thành kén phế, không ươm tơ được. Né gỗ vuông thông thoáng sẽ giúp tằm làm kén to hơn, chất lượng kén cũng tốt hơn. Nếu một kén tằm làm theo phương pháp truyền thống sẽ kéo được 700 – 900 mét tơ thì phương pháp mới này kén tằm sẽ kéo được từ 1.000 - 1.500 mét. Giá một né gỗ vuông dao động từ 70.000 - 75.000 đồng, có thể sử dụng được trong vòng 5 năm.
 
Ông Lê Quang Tú - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đánh giá cao những thuận lợi mà Yên Bái có được trong phát triển trồng dâu, nuôi tằm, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống dâu mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt; huy động được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển dâu tằm.
 
Tuy nhiên, việc phát triển trồng dâu, nuôi tằm ở Yên Bái vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp; liên kết giữa hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm với thu mua sản phẩm thiếu tính bền vững. Các cơ sở sản xuất chủ yếu quan tâm đến sản phẩm kén, ít chú trọng đến đầu tư thâm canh sản xuất dâu và kỹ thuật nuôi tằm.
 
Đề xuất các giải pháp phát triển dâu tằm bền vững cho Yên Bái, ông Lê Quang Tú cho biết: Yên Bái cần quy hoạch một vùng dâu đủ lớn để có điều kiện thâm canh và chủ động canh tác, không lệ thuộc và cây trồng khác, chủ động nguồn nước tưới cho cây dâu vào mùa khô. Nên sử dụng các giống dâu mới cho năng suất cao, chất lượng tốt như GQ 2, TBL – 03… và giống tằm BT 1218, GQ 1235…
 
Về công nghệ chế biến cần gắn nhà máy chế biến với vùng cung cấp nguyên liệu, tạo mối quan hệ lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng dâu, nuôi tằm. Giải pháp tiên quyết và quan trọng nhất là phải thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm.
 
Qua đó, chúng ta sẽ nhập được máy móc, thiết bị công nghệ cao trong chế biến; từ đó, tạo ra mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, tạo đầu ra ổn định và giá trị gia tăng cao hơn để người nông dân có thu nhập cao từ trồng dâu, nuôi tằm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Hà Anh

Các tin khác
Nhân viên bưu điện thực hiện thu thuế tại phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Thực hiện kế hoạch của Cục Thuế tỉnh về việc triển khai thực hiện thí điểm ủy nhiệm thu thuế (UNTT) đối với cá nhân kinh doanh (CNKD) nộp thuế theo phương pháp khoán, giai đoạn 2, ngành thuế tiếp tục triển khai trên địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, Văn Yên và Mù Cang Chải.

YBĐT - Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung nghiên cứu để có những định hướng chỉ đạo nâng cao giá trị trong chuỗi sản phẩm bằng thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở an toàn dịch bệnh; quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại trên địa bàn cả nước cũng như nước ngoài, mời gọi các nhà đầu tư tiêu thụ và liên doanh, liên kết để thực hiện chuỗi giá trị một cách hiệu quả nhất.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 949/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” do Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB và Chính phủ Úc tài trợ.

Nhân dân huyện Mù Cang Chải mở đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Năm 2017, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đạt trên 492 tỷ đồng. Huyện đã triển khai thực hiện chính sách vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên 55 tỷ đồng với 1.620 hộ được vay vốn; chính sách bảo vệ và phát triển rừng trên 52 tỷ đồng;

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục