Yên Bái kịp thời khôi phục giao thông sau lũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/8/2018 | 8:05:15 AM

YBĐT - Các trận mưa lũ cường độ lớn xảy ra gần đây đã khiến nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề, gây ách tắc giao thông. Trước tình hình đó, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các địa phương thực hiện san gạt bùn đất, kè rọ đá bảo đảm thông tuyến trong thời gian sớm nhất, giúp nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn.

Ngành GTVT huy động máy móc khôi phục giao thông tại tỉnh lộ 175.
Ngành GTVT huy động máy móc khôi phục giao thông tại tỉnh lộ 175.

Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là sau hoàn lưu cơn bão số 3, số 4 vừa qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, hư hỏng nặng nề. Từ quốc lộ, tỉnh lộ đến đường liên xã, liên thôn đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở với khối lượng hàng nghìn mét khối khiến giao thông ách tắc, chia cắt, tê liệt, nhiều địa phương rơi vào thế bị cô lập.
 
Cụ thể, từ ngày 19/7 đến 18/8, mưa lũ đã làm sạt 344 vị trí ta-luy dương, khối lượng 98.655 m3, 14 vị trí ta-luy âm với chiều dài trên 200 m tại các quốc lộ 32, 37, 32C; các tuyến đường tỉnh có 198 vị trí sạt lở ta-luy dương với khối lượng gần 40.000 m3; hư hỏng nhiều cầu, cống, nền, mặt đường...
 
Đặc biệt, một số tuyến đường đi xã sau lũ bị cô lập, không thể tiếp cận được như các xã: Nậm Mười, Sùng Đô, An Lương (Văn Chấn), Phong Dụ Thượng, Mỏ Vàng (Văn Yên).

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, để bảo đảm giao thông và an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả. Trước mắt, lực lượng thi công tiến hành san gạt đất sạt, khơi thông rãnh bảo đảm thoát nước tại những điểm sụt ta-luy dương, bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến; đồng thời, rà soát các điểm xung yếu, tổ chức cảnh giới, phân luồng giao thông.
 
Bên cạnh đó, tại những điểm sạt ta-luy âm, Sở chỉ đạo các công ty quản lý đường bộ, đơn vị tư vấn phối hợp triển khai các giải pháp để thực hiện đắp trả ta-luy âm nền đường hoặc xếp rọ thép gia cố chân ta-luy âm nền đường... Nhờ triển khai kịp thời các giải pháp xử lý nên tại các điểm sạt lở, tình hình ách tắc giao thông nhanh chóng được khôi phục, bảo đảm cho nhân dân và các phương tiện lưu thông an toàn, nhanh chóng.
 
Ông Nguyễn Trọng Tiến – Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT cho biết: "Tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ sạt lở trên một số tuyến giao thông trọng điểm, Sở thường xuyên bố trí máy móc, phương tiện ứng trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý khi thiên tai xảy ra. Do vậy, giao thông trên các tuyến đường này luôn được khôi phục nhanh chóng, bảo đảm an toàn, thông suốt”.

Cùng với bảo đảm các tuyến đường được giao quản lý, Sở còn chỉ đạo các công ty, đơn vị trong ngành phối hợp với các địa phương kịp thời triển khai các giải pháp khắc phục các tuyến đường giao thông nông thôn để tiếp cận các xã bị cô lập tại huyện Văn Chấn.
 
Theo đó, từ ngày 19/7, tại tuyến liên xã Sùng Đô – Nậm Mười, Sở thành lập một tổ công tác trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục. Các mũi thi công cũng được triển khai từ nhiều hướng để đẩy nhanh quá trình khai thông thế cô lập tại các địa phương.
 
Đến 18 giờ, ngày 23/7, tuyến Sùng Đô đã khắc phục xong các điểm sạt lở và thông tuyến lên trung tâm xã. Trưa ngày 26/7, đoạn tuyến lên trung tâm xã Nậm Mười cũng khắc phục xong. Đến sáng 10/8, tuyến tỉnh lộ 175 từ xã An Thịnh, Mỏ Vàng (Văn Yên) đi An Lương - Bản Hẻo (Văn Chấn) đã thông xe bước 1.

Có thể nói, với sự tích cực, chủ động cùng những kế hoạch, phương án "4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, ngành GTVT đã kịp thời có mặt tại những nơi bị thiệt hại và triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông, giúp người dân và phương tiện lưu thông an toàn.

Hùng Cường

Các tin khác
Trận mưa lũ đã khiến 20 ha lúa tại xã Trung Tâm bị bồi lấp bởi đất, cát.

YBĐT - Đêm mùng 6, rạng sáng mùng 7/8, trên địa bàn xã Trung Tâm, huyện Lục Yên xảy ra trận lũ ống, lũ quét bất ngờ, khiến nhiều ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ, cuốn trôi nhiều tài sản, lúa, vật nuôi, hư hỏng một số đoạn đường và công trình thủy lợi.

TFA  được đánh giá là tiết kiệm gần 2 ngày thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, giảm 91% so với mức trung bình hiện tại.

Theo phê duyệt của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế để thực hiện thủ tục thông báo cho WTO theo đó nhóm B gồm 14 cam kết và nhóm C gồm 9 cam kết. Lộ trình B, C này đã được Phái đoàn Việt Nam tại WTO thông báo cho WTO vào ngày 2/8/2018.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phân bổ vốn sự nghiệp năm 2018 của Hợp phần Ứng phó với biến đổi khí hậu trong Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Chè là cây kinh tế chủ lực ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.

YBĐT - Nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu ôn hòa là điều kiện lý tưởng để thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn) phát triển các loại cây trồng như: chè, nhãn, thanh long, đào... đem lại  hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục