Đó là khẳng định của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội thảo tập huấn về "Kinh nghiệm phát triển Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 6/9, tại Hà Nội.
Cùng tham dự Hội thảo có đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda; Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, Chủ tịch Viện nghiên cứu Đông Á Nhật Bản Tsutomu Takebe; Thượng nghị sĩ, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe; các chuyên gia cao cấp của JICA.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết: Hội thảo được tổ chức với mục đích thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, rút ra bài học đối với Việt Nam và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ Hội Nông dân Việt Nam sẽ được tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Tham dự hội thảo, đại biểu đến từ Việt Nam và Nhật Bản đã tập trung thảo luận những chủ đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của 2 nước... Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới cần phải coi tăng trưởng nông nghiệp bền vững là chìa khóa quan trọng. Trong đó, khai thác tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam; phát triển các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp; coi trọng thị trường và người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp thông qua sự liên kết công tư; áp dụng kiến thức của doanh nghiệp tư nhân, kỹ thuật và bí quyết, mạng lưới và nguồn vốn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực...
Theo Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Tsutomu Takebe, Nhật Bản đã đi từ các bước đầu tiên là cải cách đất nông nghiệp để xây dựng nhà nông tự chủ (trong 16 năm), thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ lúa sang sản phẩm có nhu cầu ngày càng cao trên cơ sở luật pháp (trong 30 năm). Từ những năm 1990, Nhật Bản áp dụng mạnh hơn nguyên lý thị trường trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm hài hòa với đời sống nông thôn.
Đặc biệt từ năm 2000 trở đi, Nhật Bản thực hiện theo chính sách nông nghiệp "Takebe” (tên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp giai đoạn này) hướng tới mục tiêu cung cấp lương thực ổn định, ban hành luật pháp về an toàn thực phẩm, luật pháp về giáo dục chế độ ăn uống, bảo đảm hài hoà giữa thành thị và nông thôn, môi trường nông thôn gần gũi với tự nhiên và cơ cấu nông nghiệp do doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động hiệu quả xác lập.
Ông Hiroshi Matsuura thuộc Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, ngay từ khi cải tạo đất nông nghiệp, Chính phủ đã đưa máy móc cỡ lớn vào canh tác để nhà nông có nhiều thời gian nhàn rỗi, làm thêm nghề phụ hay làm cho các nhà máy.
Chính phủ Nhật Bản cũng quan tâm tới việc tạo ra giá trị gia tăng cho nông dân thay vì chỉ gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp thương mại. Theo đó, khuyến khích người nông dân tham gia Hợp tác xã để đủ tài chính sở hữu các kho trữ lạnh, bảo quản tốt nông sản khi tới tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, 1 quả xoài của Nhật Bản hiện nay có giá tương ứng với 800.000 đồng.
Với tâm thế biến nông nghiệp thành ngành công nghiệp thứ 6 tại Nhật Bản, ông Matsuura cho biết Chính phủ tạo cơ chế để không chỉ sản xuất thông thường mà còn gia công, chế biến nhiều sản phẩm khác nhau (kể cả sản phẩm du lịch) từ một loại nông sản. "Chỉ riêng việc cắt rau củ quả và đóng gói cũng đã là một doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản”, ông Hiroshi Matsuura nói.
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng cần phải xem xét chính sách khi ban hành có lợi cho ai, thực hiện chuyển dịch lực lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp thành lợi thế của nhà nông và duy trì đất nông nghiệp tối ưu, đa dạng để nông thôn có "sức sống”, hấp thụ tốt công nghệ cao.
Còn Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Yasushi Tanaka nhìn nhận nhiều nhân tố giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, trong đó có nông nghiệp. Đó là chính sách mở cửa thị trường mạnh mẽ, quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ, có trình độ và tay nghề cũng như những lợi thế về địa lý, giao thông đường biển...
Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức về hạ tầng chưa hoàn thiện, năng lực logistics còn yếu, cơ cấu kinh tế còn bất hợp lý, ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu.
Với kinh nghiệm hàng chục năm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, JICA đề xuất Chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nên chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng có chất lượng. Ông Tanaka đề nghị Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp liên quan tới hợp tác công- tư. JICA sẵn sàng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản sở hữu công nghệ tiên tiến nhưng không có mạng lưới ở nước ngoài.
Xây dựng thành công mô hình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, tam nông có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là cơ sở và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo tích cực đối với các giải pháp về xây dựng Nông thôn mới cấp thôn, bản cho những vùng đặc thù, khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản xuất...
Đây là những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Nhật Bản là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng đã phát triển thành nước có nền kinh tế xếp thứ 3 thế giới với nền nông nghiệp hiện đại. Đời sống nông dân được bảo đảm và có các chính sách an sinh xã hội tốt.
Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng xuất khẩu nhờ nền nông nghiệp công nghệ cao với chuỗi giá trị hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng từ thực tiễn lịch sử phát triển cho thấy, nông nghiệp - nông dân - nông thôn của Việt Nam và Nhật Bản có khá nhiều nét tương đồng, cùng thuộc nền văn minh lúa nước với loại cây canh tác chủ lực là lúa gạo. Sự thành công của Nhật Bản trong phát triển tam nông sẽ là những kinh nghiệm quý báu để Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tham dự Hội thảo cập nhật những thông tin, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm hữu ích để có thể vận dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách cho những định hướng lớn về phát triển tam nông tại Việt Nam.
Đồng thời Phó Thủ tướng hy vọng hai bên hướng đến triển khai thực hiện Chương trình hợp tác nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tại Việt Nam trong tầm nhìn trung và dài hạn với kỳ vọng xây dựng thành công mô hình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp trong khu vực.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng những kiến nghị, đề xuất của Hội thảo sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo phục vụ tổng kết cũng như góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới.../.
(Theo ĐCSVN)