Dự tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh; thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cùng với ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5, trong những ngày tới siêu bão Mangkhut sẽ đi vào biển Đông và có khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đến 27 tỉnh, thành phố nước ta.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 7 giờ ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 18,0 độ vĩ bắc; 121,0 độ kinh đông, ngay trên phía Bắc đảo Lu-Dông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay (14/9) ở vùng biển đông bắc biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp dần lên cấp 11 - 12, từ sáng mai tăng lên cấp 14 - 15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16 - 17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17 -18/9.
Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17 - 19/9. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình. Lũ lớn báo động 3 ở sông Lô, sông Thao.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: siêu bão Mangkhut là cơn bão mạnh, tốc độ nhanh, do đó các địa phương cần chủ động có những biện pháp ứng phó.
Đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành liên quan, các lực lượng vũ trang và các địa phương chủ động xây dựng ngay phương án ứng phó; chú trọng về lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời khi cơn bão đổ bộ vào.
Địa phương các cấp thường xuyên cập nhật thông tin cơn bão, công bố những vùng biển nguy hiểm khi bão vào, bảo đảm tuyệt đối an toàn trên biển; rà soát các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, yêu cầu di chuyển ra khỏi khu vực có bão đến nơi tránh trú an toàn; không cho tàu thuyền ra khơi; bảo đảm an toàn cho các lồng bè, người dân khu vực ven biển và khách du lịch trên biển.
Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát các công trình yếu để gia cố lại; chằng chống, gia cố nhà cửa, biển quảng cáo, kho tàng, công trình công cộng; bảo đảm an toàn cho các công trình hạ tầng, trường học, trụ sở làm việc, nhà máy, xí nghiệp, các công trình hạ tầng giao thông, bến cảng, công trình điện, thông tin liên lạc… nhằm giảm thiểu những thiệt hại nặng nề do bão gây ra.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm "xanh nhà hơn già đồng”.
Các tỉnh miền núi tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức di dời dân khỏi những khu vực nguy hiểm; sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình thủy lợi, thủy điện; chủ động các phương án để ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.
Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc tuyên truyền, đưa thông tin chính xác, kịp thời các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương.
Yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương thành lập ngay các đoàn công tác đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với siêu bão Mangkhut tại cơ sở.
Hồng Duyên