Tạo bước đột phá trong tín dụng nông nghiệp, nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/10/2018 | 10:28:28 AM

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) với nhiều đổi mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên báo chí, tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ra đời được đánh giá là sẽ tạo ra bước đột phá trong đầu tư cho khu vực NNNT

PV: Đề nghị ông cho biết những điểm mới của Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT?

TS Nguyễn Quốc Hùng: Ngày 7-9-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó một số điểm mới, như:

Sửa đổi đối tượng khách hàng vay vốn phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Quy định nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh (SXKD) trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng để phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp thực tế hiện nay.

Mở rộng đối tượng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được hưởng chính sách, cụ thể: Bổ sung cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có dự án, phương án sản SXKD trong khu nông nghiệp ứng dụng CNC, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; bổ sung doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng có dự án, phương án SXKD ứng dụng CNC trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng CNC, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án (Nghị định số 55 chỉ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được hưởng chính sách này);

Quy định về việc TCTD được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương SXKD ứng dụng CNC trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng; qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng, đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn trên đất nông nghiệp (như nhà kính, nhà lưới, nhà màng…);

Quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích TCTD đẩy mạnh cho vay.

Quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý khoanh nợ và thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng; tạo cơ sở để các đơn vị liên quan thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Quy định về việc TCTD xem xét thỏa thuận với khách hàng về thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện trồng mới các loại cây lâu năm.

PV: Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ra đời được đánh giá là sẽ tạo ra bước đột phá trong đầu tư cho khu vực NNNT, nông dân như thế nào?

TS Nguyễn Quốc Hùng: Nghị định số 116/2018/NĐ-CP được coi là bước đột phá đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực NNNT với nhiều chính sách quan trọng, tập trung đẩy mạnh đầu tư tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp CNC, các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và có nhiều ý nghĩa:

Thứ nhất, nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp hai lần mức cho vay tối đa cũ. Việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân (nhất là vùng sâu, vùng xa); đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn SXKD và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn vốn khác.

Thứ hai, một trong các trọng tâm của nghị định là bổ sung chính sách hướng tới nông nghiệp CNC, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, như: Mở rộng đối tượng được vay vốn SXKD, ưu tiên các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và các doanh nghiệp có dự án, phương án SXKD nông nghiệp ứng dụng CNC không thuộc khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đáp ứng tiêu chí theo quy định được TCTD. Bên cạnh đó, nghị định cũng bổ sung quy định về việc TCTD được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án SXKD ứng dụng CNC trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng.

Thứ ba, quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28-5-2014 hướng dẫn thực hiện Chương trình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, làm cơ sở để xây dựng chính sách đối với cho vay liên kết chuỗi tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, tại quyết định thí điểm và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP chưa hướng dẫn cụ thể về việc quản lý dòng tiền cho vay chuỗi liên kết. Do đó, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định này để các TCTD thống nhất thực hiện, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích TCTD đẩy mạnh cho vay, đồng thời giúp người dân được vay vốn để thực hiện liên kết.

Thứ tư, quy định về thủ tục xử lý khoanh nợ và thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, trong đó có sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc thông báo thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng, xác nhận thiệt hại về vốn vay của khách hàng… đồng thời, sử dụng nguồn ngân sách địa phương trong xử lý khoanh nợ (trường hợp khó khăn báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách Trung ương).

Thứ năm, để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện cải tạo, tái canh cây cà phê nói riêng và cây lâu năm nói chung, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về ân hạn, theo đó, đối với các loại cây trồng lâu năm, thời gian đầu tư vốn dài, TCTD và khách hàng thỏa thuận thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng, cây công nghiệp lâu năm, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, điều…

PV: Với những điểm mới, như: Nâng hạn mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC… có gây áp lực với ngân hàng không?

TS Nguyễn Quốc Hùng: Việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đương nhiên sẽ tạo áp lực trong quản lý rủi ro cho các TCTD vì trên thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Tuy nhiên, NHNN xét thấy việc Chính phủ đã cho phép mở rộng đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm trong lĩnh vực này là cần thiết, nhằm hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm nhưng có phương án SXKD khả thi, nhất là khách hàng có ứng dụng CNC trong nông nghiệp; đồng thời cũng là yêu cầu đặt ra cho các TCTD cần nâng cao năng lực thẩm định, trau dồi kiến thức về cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp CNC; tăng cường công tác quản ký rủi ro khi cho vay.

Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn và áp lực cho TCTD khi nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, nghị định giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí xác định dự án, phương án SXKD ứng dụng CNC trong nông nghiệp để TCTD có cơ sở, tiêu chí xem xét cho vay.

(Theo QĐND)

Các tin khác
Cầu Việt Trì - Ba Vì.

Dự kiến, nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí để hoàn vốn dự án từ ngày 1/12/2018, mức phí đối với loại xe nhóm 1 - xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn (thấp nhất) là 35.000 đồng/lượt/xe. Mức thu cao nhất đối với xe nhóm 5 (xe tải trên 18 tấn và container 40 feet) là 185.000 đồng/lượt/xe.

Nhân dân xã Yên Phú trồng cây màu vụ đông.

YBĐT - Vụ đông năm 2018, huyện Văn Yên phấn đấu gieo trồng trên 2.450 ha; trong đó:  ngô đông trên 1.750 ha, khoai lang 100 ha, rau màu các loại 600 ha.

YBĐT - Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng trên địa bàn tỉnh đạt trên 97 triệu USD, bằng 81,1% kế hoạch, tăng 25,67% so cùng kỳ năm trước.

YBĐT - Nhờ thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, cải cách đơn giản về thủ tục hồ sơ giúp hộ nghèo được tiếp cận nhanh với nguồn vốn tín dụng nên doanh số cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong tỉnh lũy kế đến hết tháng 8/2018 đạt 575,8 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục