Đối với tỉnh Yên Bái, ngày 05/9/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành Công văn số 1299/SNN - CNTY về việc ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh.
Tiếp đó, UBND tỉnh có Công văn số 2325/UBND - NLN ngày 03/10/2018 về việc triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 212/KH - UBND ngày 30/11/2018 thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh. Giữa tháng 11/2018, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai phòng chống dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập Đội ứng phó nhanh ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Đội gồm 09 thành viên do đồng chí Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm Đội trưởng, các thành viên là cán bộ chuyên môn Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 212/KH - UBND ngày 30/11/2018 thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có Công văn số 149/CCCN&TY ngày 30/11/2018 triển khai phun tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vắc - xin lở mồm long móng đợt 2 năm 2018.
Đối với phun tiêu độc khử trùng, nguồn Trung ương cấp 6.248 lít thuốc sát trùng, triển khai tại 180/180 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố và tập trung vào chuồng trại chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, khu vực buôn bán. Hoạt động này được thực hiện trong tháng 12/2018.
Hiện nay, Chi cục đang trình UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh cấp nguồn kinh phí tập huấn về công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh cho khoảng 60 - 70 người là cán bộ trung tâm hỗ trợ dịch vụ phát triển nông nghiệp, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn của các huyện, thị xã, thành phố.
Đồng thời, Chi cục sẽ in phát 25.000 tờ rơi tuyên truyền. Ngày 5/12 vừa qua, Chi cục đã tham gia diễn tập thực hành tình huống ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức.
Đồng chí Đặng Bình Nguyên - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Qua tham gia diễn tập tại Lào Cai, các vấn đề được quan tâm rút kinh nghiệm là phải chủ động nhân lực, dụng cụ, bảo hộ, vật tư, hóa chất để ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra; tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và kiểm tra, giám sát khi có trường hợp nghi ngờ về bệnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, phải làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch bệnh và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch”.
Công tác phòng ngừa và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc bảo vệ đàn lợn, duy trì sản xuất, nhất là trong thời điểm cuối năm và dịp tết Nguyên đán đang đến gần. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cũng như mọi người dân cần tự giác, nghiêm túc thực hiện những biện pháp, khuyến cáo của cơ quan chức năng để phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm lợi ích chung của cả cộng đồng.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc đang có chiều hướng
lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam. Các hoạt động thương
mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân
biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt
lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa vi - rút bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm
nhiễm vào Việt Nam. |
Nguyễn Thơm