Cây quế được người dân Văn Chấn trồng từ lâu đời, tập trung ở một số xã như: Nậm Lành, Nậm Mười, còn lại là diện tích trồng không tập trung ở 8 xã vùng ngoài: Cát Thịnh, Minh An, Chấn Thịnh, Đại Lịch, Thượng Bằng La....
Khi thấy được giá trị kinh tế của loại cây này, đặc biệt, mấy năm gần đây, huyện triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì việc phát triển cây quế được xem là chủ trương đúng đắn, bởi Văn Chấn còn diện tích đất lâm nghiệp rất lớn.
Trong khi đó, việc trồng cây nguyên liệu như: keo, bạch đàn kém hiệu quả do sinh trưởng chậm, vận chuyển xa, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng tại địa phương chưa nhiều.
Cũng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, người dân Văn Chấn trồng quế được cán bộ khuyến nông, kiểm lâm địa bàn hướng dẫn kỹ thuật xử lý thực bì, trồng, chăm sóc; đặc biệt, hộ nào trồng từ trên 0,5 ha trở lên sẽ được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng/ha.
Được cán bộ ngành nông lâm nghiệp, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tuyên truyền, động viên, khuyến khích, nhất là được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua cây giống..., bà con đã tích cực phá bỏ vườn tạp, nương đồi kém hiệu quả chuyển mạnh sang trồng quế.
Nhờ thế, diện tích quế ở Văn Chấn tăng mạnh theo từng năm. Năm 2018, huyện tiếp tục khuyến khích người dân trồng quế. Cán bộ kiểm lâm về các thôn, bản, phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền cho người dân về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và khi được các cán bộ động viên, bà con lại thi đua trồng quế.
Tuy nhiên, vụ trồng quế năm 2018 ở Văn Chấn lại đang có vấn đề.
Vào đầu tháng 12 này, đáng lẽ nông dân đã cơ bản trồng quế xong, đợi mưa xuân xuống là bén rễ, nảy búp, xanh lá nhưng khi đi qua các vườn ươm quế giống ở Chấn Thịnh, Phù Nham... quế vẫn đứng trong vườn ươm và lẻ tẻ có hộ đã bán nhưng số lượng không nhiều.
Một số hộ làm nghề ươm quế giống còn chuyển bầu quế vào túi nilon, cắm biển "bán quế giống” cho khách mua đỡ phải đợi.
Ở vườn ươm là vậy, trên nương đồi còn trầm lắng hơn. Nhiều mảnh nương đã xử lý xong thực bì nhưng bà con vẫn không đào hố, bỏ phân và trồng quế. Tìm hiểu mới biết, tất cả sự chậm trễ kể trên là do bà con đang chờ tiền hỗ trợ. Nhiều nông dân tỏ ra lo lắng khi vụ trồng đã sắp hết mà không biết phải đợi đến bao giờ?
Đứng trước tình hình trên, ngành nông nghiệp và UBND tỉnh cần có giải pháp kịp thời, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ nông dân Văn Chấn trồng quế, bởi trồng quế rất khắt khe về tính thời vụ; quế giống có lứa. Hơn nữa, khoản kinh phí cũng không quá lớn mà lại thúc đẩy được phong trào trồng quế và sớm kết thúc một mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Lê Phiên