Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, tổng đàn gia súc, gia cầm đã phục hồi đà tăng trưởng. Trong đó, tổng đàn gia súc chính đạt 651.109 con, tăng 2,19% so với cùng kỳ (đàn trâu là 99.420 con, đàn bò là 29.754 con, đàn lợn 521.935 con); đàn gia cầm trên 4.972.000 con, tăng 7,89% so với cùng kỳ năm 2017.
Kết quả trên là do ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã tăng cường phòng chống dịch bệnh, sớm kiểm soát dịch lở mồm long móng, tăng cường quản lý vật tư chăn nuôi thú y; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi...
Qua khảo sát tại các trang trại chăn nuôi, hiện giá lợn hơi ổn định ở mức 48.000 đến 52.000 đồng/kg tùy từng loại lợn và giống lợn.
Theo các chủ cơ sở chăn nuôi, với giá này trung bình mỗi đầu lợn khi xuất chuồng trừ chi phí còn lãi gần 1 triệu đồng. Giá tăng và ổn định khiến người dân, doanh nghiệp tăng cường tái đàn tiếp tục duy trì chăn nuôi.
Đến nay, đàn lợn tăng 3,88% so với cùng thời điểm này năm 2017. Tuy nhiên, do một số chính sách, giá cả con giống tăng cao, ùn đọng vốn từ giai đoạn trước và sự dè dặt của người dân, doanh nghiệp nên việc tái đàn diễn ra ở mức cầm chừng, không ồ ạt.
Cùng với đà tăng của mặt hàng thịt lợn, giá gà ta cũng tăng khiến người chăn nuôi phấn khởi. Hiện, gà ta bán cho các thương lái tại các trang trại có giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg.
Theo ông Ninh Kiều Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y thì bên cạnh yếu tố thị trường đầu ra ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, phải kể đến các chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nông lâm nghiệp và thủy sản gắn với đề án tái cơ cấu của tỉnh, năm 2018 tỉnh đã hỗ trợ được 121 cơ sở chăn nuôi, trong đó, có 38 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con trở lên/cơ sở; hỗ trợ thực hiện 38 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con/cơ sở, hỗ trợ thực hiện 43 cơ sở chăn nuôi gia cầm 1.000 con/cơ sở; hỗ trợ 30 cơ sở chăn nuôi lợn kết hợp 5 nái và 50 thịt.
Những chính sách trên, góp phần đưa cơ cấu sản xuất chăn nuôi chuyển đổi nhanh theo hướng gia trại, trang trại, "liên kết hộ chăn nuôi” dạng chuỗi khép kín; đồng thời, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi như: chuồng trại đảm bảo kỹ thuật; sử dụng thức ăn công nghiệp, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh làm tăng năng suất, hiệu quả của đàn gia cầm.
Từ đó, góp phần đưa sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính năm 2018 ước đạt 49.749,5 tấn/45.000 tấn theo kế hoạch. Giá trị sản xuất, chăn nuôi ước đạt trên 1.792 tỷ đồng tăng 10,43% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 30% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tốc độ phát triển chăn nuôi còn chậm; năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm còn thấp; dịch bệnh lở mồm long móng vẫn xảy ra trên đàn gia súc gây ảnh hưởng đến phát triển ngành chăn nuôi; chuỗi liên kết trong chăn nuôi phát triển chậm.
Năm 2019, ngành chăn nuôi phấn đấu tổng đàn gia súc chính đạt 750.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 51.000 tấn.
Để đạt mục tiêu trên, ngành xác định phân vùng chăn nuôi cho các giống vật nuôi chủ lực của tỉnh; có chính sách khuyến khích người dân, các loại hình kinh tế phát triển đầu đàn; tăng tỷ trọng chăn nuôi hàng hóa theo phương thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; có chính sách khuyến khích phát triển những loại vật nuôi có lợi thế, đặc sản như gà đen bản địa, lợn bản địa, vịt bầu Lâm Thượng.
Cùng đó, đặc biệt quan tâm đến việc chủ động dự báo, phòng chống dịch bệnh vật nuôi. Có giải pháp đột phá về giống và đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm...
Văn Thông