Yên Bái nâng cao hiệu quả đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/1/2019 | 11:09:05 AM

YBĐT - Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai 8 đề án chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Chính sách hỗ trợ chăn nuôi giúp người dân thúc đẩy phát triển sản xuất gia tăng về quy mô, số lượng.
Chính sách hỗ trợ chăn nuôi giúp người dân thúc đẩy phát triển sản xuất gia tăng về quy mô, số lượng.

 Sau 2 năm thực hiện các đề án chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng về quy mô, số lượng các sản phẩm chủ lực để hướng tới hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai 8 đề án phát triển là: phát triển chăn nuôi; phát triển thủy sản; phát triển cây ăn quả; phát triển chè vùng cao; hỗ trợ sản xuất ngô đông trên đất hai vụ lúa; phát triển cây quế; tre măng Bát độ, cây sơn tra... với tổng kinh phí hỗ trợ gần 79 tỷ đồng. 

Có thể thấy, các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh đã có bước đi đúng hướng, mang lại hiệu quả cao đối với một địa phương miền núi như Yên Bái, với 3/4 diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp và 80% dân số, 70% lao động ở khu vực nông thôn. 

Một số nội dung chính sách có hiệu quả về đích sớm so với dự kiến và sẽ đạt vượt mục tiêu kế hoạch trong những năm tới như: chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô 15 con trở lên/cơ sở và trong 2 năm đã triển khai thực hiện được 108 cơ sở/kế hoạch đề án là 100 cơ sở; chính sách hỗ trợ cho các cơ sở nuôi cá lồng thực hiện 2 năm được 674 lồng/kế hoạch 650 lồng; hay như chính sách hỗ trợ trồng cây ăn quả, chính sách hỗ trợ trồng cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu... 

Nói về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thủy sản của tỉnh, ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: "Để ngành chăn nuôi thực sự phát triển hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh đến người dân, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai từng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, huyện cũng nỗ lực mời các doanh nghiệp, các nhà khoa học vào địa phương để đầu tư vốn, kinh phí và hướng dẫn khoa học, kỹ thuật chăn nuôi. 

Nhờ đó, đã tạo động lực, kích thích người chăn nuôi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, huyện Yên Bình đã tập trung phát triển được đàn trâu trên 13.000 con, đàn bò hơn 3.300 con, đàn lợn trên 90.000 con; người dân đã tận dụng 84 ha nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà cho hiệu quả kinh tế cao.” 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những đề án, chính sách chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra như: trồng tre măng Bát độ tại huyện Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên; trồng ngô đông trên đất 2 vụ lúa tại huyện Lục Yên, Trấn Yên... 

Trong quá trình triển khai thực hiện một số đề án, chính sách đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế như: công tác bố trí quy hoạch đất phục vụ cho phát triển trồng tre măng Bát độ của các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tiến độ thực hiện đạt thấp; chính sách hỗ trợ trồng quế quy định mật độ trên 7.000 cây/ha chưa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, mức hỗ trợ trồng quế 1 triệu đồng/ha cho huyện Văn Yên quá thấp, không khuyến khích người dân thực hiện; chính sách hỗ trợ trồng ngô đông trên đất 2 vụ lúa có mức hỗ trợ thấp nên đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện về quy mô diện tích theo đề án... 

Các đề án, chính sách bước đầu mới giải quyết được về tăng quy mô, số lượng sản phẩm chủ lực của tỉnh, còn các yêu cầu đặt ra về nâng cao chất lượng, giá trị vẫn còn hạn chế, chưa có sự gắn kết giá sản xuất khẩu với thị trường tiêu thụ sản phẩm nên tiềm ẩn nguy cơ dư thừa, mất giá khi sản xuất với số lượng lớn là rất cao. 

Từ đó, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, ngành thời gian tới cần tích cực tham mưu để có những giải pháp, bước đi phù hợp đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tìm thị trường đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tự phát sang thâm canh, tăng vụ, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. 

Xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm nông lâm nghiệp, quy hoạch nông thôn mới gắn với ban hành bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ, toàn diện; đồng thời, từng bước phát triển sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đức Toàn

Các tin khác
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình tiến hành rút kinh nghiệm với các tổ chức chính trị xã hội ở Mông Sơn trong thực hiện ủy thác vay vốn. Ảnh MQ

YBĐT - Hết năm 2018, tổng nguồn vốn đạt 23.750 tỷ đồng, tăng 18,06%, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 15.550 tỷ đồng tăng 13,21% so với đầu năm, chiếm 65,47% trên tổng nguồn vốn.

YBĐT - Năm 2018, Đội Quản lý thị trường số 6 (huyện Lục Yên) kiểm tra, xử lý 60 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 42,4 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy 12,6 triệu đồng.

YBĐT - Năm 2018, tỉnh Yên Bái cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 249 doanh nghiệp với vốn đăng ký trên 2.677 tỷ đồng.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đi kiểm tra dịch LMLM tại Hòa Bình.

Hiện nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong nước. Tính đến ngày 2/1, cả nước có 24 ổ dịch xảy ra tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Tĩnh, Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục