Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015-2020), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Văn Chấn đã nỗ lực triển khai, đổi mới phương thức chỉ đạo, thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó, trọng tâm là phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí Chu Đình Ngữ - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: "Văn Chấn là huyện có diện tích lớn, có lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai đã hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa. Do vậy, ưu tiên nông nghiệp là mặt trận hàng đầu để chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông - lâm nghiệp”.
Theo đó, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các ban, ngành, các địa phương và nhân dân tập trung ổn định vùng lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 1.200 ha; phát triển mạnh diện tích cây ăn quả, cây quế; trồng mới cây dâu, nuôi tằm đã được đánh giá hiệu quả vượt trội tại huyện lân cận Trấn Yên; xác định chè là cây chủ lực với việc duy trì trên 4.600 ha của gần 16.000 hộ dân trong toàn huyện đang trồng.
Đồng thời, huyện còn tích cực mời gọi các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất; có kế hoạch cụ thể, phân bổ nguồn lực phù hợp để đạt mục tiêu hoàn thành 11 xã xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, trong đó, chọn xã Thượng Bằng La đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Song song với kinh tế nông nghiệp, huyện tập trung thu hút, tháo gỡ khó khăn, phát triển mạnh các ngành có lợi thế của địa phương như: sản xuất, chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng, khoáng sản; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất Đông dược Thế Gia sớm đi vào sản xuất, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, huyện Văn Chấn đã chủ động thực hiện lồng ghép các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng ưu tiên xây dựng phòng học, nhà bán trú để thực hiện đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp; các thiết chế cho xã nông thôn mới; công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và đặc biệt là giao thông nông thôn làm điều kiện căn bản, đi trước để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; phát triển mạnh các loại hình thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nhất là du lịch; kết hợp với các huyện miền Tây tạo nên các tour, tuyến du lịch xuyên suốt hành trình khám phá, trải nghiệm, mạo hiểm kết hợp du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, huyện Văn Chấn cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường quản lý, sử dụng các dạng tài nguyên và coi đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế; xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường và quản lý chặt chẽ các nguồn thu, sử dụng ngân sách Nhà nước đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả…
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ huyện Văn Chấn, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 ước đạt trên 1.822 tỷ đồng, tăng 428 tỷ đồng so với năm 2016 và bằng 121,5% so với nghị quyết; sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 65 nghìn tấn, tăng 899 tấn so với năm 2016 và bằng hơn 100% so với nghị quyết; tổng diện tích chè ước đạt trên 4.700 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 45 nghìn tấn được canh tác hữu cơ, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; diện tích cây ăn quả được đầu tư, mở rộng với diện tích trên 3.121 ha, sản lượng quả tươi đạt 13.000 tấn và phát triển thành công nhãn hiệu "Cam Văn Chấn” để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; diện tích rừng trồng mới hàng năm đạt trên 3.500 ha đạt mục tiêu nghị quyết; hình thành vùng nguyên liệu quế với diện tích trên 6.714 ha; cây cao su 2.000 ha, nâng tỷ lệ che phủ đạt 55,8% bằng 98% nghị quyết.
Tổng đàn gia súc năm 2018 ước đạt gần 144.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 6.850 tấn bằng 137% nghị quyết. Đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến năm 2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 13 xã.
Đặc biệt, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn đã xây dựng, ổn định vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 900 ha tại các xã, thị trấn vùng cánh đồng Mường Lò; phối hợp với thị xã Nghĩa Lộ xây dựng, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò cho sản phẩm gạo Séng cù, Hương chiêm; triển khai thực hiện Dự án "Phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản Tú Lệ” với diện tích 100 ha; Đề án "Phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng” với diện tích 400 ha gắn với bảo vệ, phát triển nhãn hiệu "Chè Suối Giàng”; hình thành vùng măng tre theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô 2.030 ha; xây dựng thương hiệu, xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn”…
Tổng vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện năm 2018 ước đạt 205,8 tỷ đồng và hoàn thành 76,1 km đường cấp phối, 85,85 km đường bê tông, tu sửa 954 km các tuyến đường liên thôn, bản, sửa chữa, xây mới 36 cống thoát nước và 4 ngầm tràn liên hợp; chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến trong cụm công nghiệp Sơn Thịnh; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để mở rộng cụm công nghiệp Sơn Thịnh giai đoạn 2 lên 58,76 ha; tập trung phát triển và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển…
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Chu Đình Ngữ khẳng định: "Sau nửa nhiệm kỳ, Văn Chấn đã đạt 12/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự kiến sẽ hoàn thành hầu hết chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Song, không vì thế mà chủ quan, lơ là bởi dự báo tình hình thời gian tới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả, thị trường, dịch bệnh; đặc biệt là tác động của thời tiết cực đoan ở mức độ cao, khó dự báo.
Mặt khác, các chỉ tiêu Đại hội XX nhiều khả năng hoàn thành cao; tuy nhiên, so với điều chỉnh quy hoạch tổng thể của huyện được tỉnh phê duyệt cùng thời điểm (2020), nhiều chỉ tiêu còn khoảng cách xã”. Vì vậy, thời gian tới, Đảng bộ huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục chỉ đạo các giải pháp củng cố, nâng cao về chất đối với các mục tiêu đã đạt.
Đối với các chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành, nhất là giá trị sản xuất công nghiệp, Đảng bộ huyện xác định phải có quyết tâm chính trị cao, thường xuyên rà soát, gỡ ngay những điểm nghẽn, áp dụng cơ chế linh hoạt, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất, không buông xuôi.
Đặc biệt, quan trọng, cấp bách hiện nay là cả hệ thống chính trị sẽ quyết tâm cao trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39, Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và chỉ đạo của Tỉnh ủy; kịp thời điều chỉnh những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất phương án đưa công chức đã đào tạo cơ bản, dôi dư ở huyện về củng cố các đoàn thể xã; chủ động phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ để thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 26, khóa XII…
Ngọc Sơn