Đặc biệt, đã có sự chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi, liên kết giữa các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Có thể khẳng định, sau 3 năm triển khai thực hiện đề án TCCNNN, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Yên Bái đã cơ bản đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và thể hiện tính đúng đắn về quan điểm, chủ trương, chính sách cho đến sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Điều đó, được thể hiện qua tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 3 năm (2016 - 2018) đạt 4,33% (mục tiêu đến năm 2020 là 4,5%). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 đạt 6.876,6 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm 2015.
Các chỉ tiêu chủ yếu của đề án cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu; trong đó, có 5 chỉ tiêu vượt là: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 305.900 tấn, tăng 27.405 tấn; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 49.749 tấn, tăng 3.749 tấn; trồng rừng bình quân hàng năm là 15.000 ha, đạt 115,3%; tỷ lệ che phủ rừng là 63%, đạt 100,8%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2018 là 46 xã, đạt 306,6% mục tiêu đề án...
Đặc biệt, Yên Bái đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa với khối lượng và giá trị lớn, nhiều mặt hàng nông sản như: quế, chè, rau quả và các sản phẩm bằng gỗ chất lượng cao đã được xuất khẩu với giá trị kim ngạch trên 50 triệu USD (chiếm gần 50% giá trị kim ngạch toàn tỉnh).
Cùng với đó, các hình thức sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, Global GAP, Organic… đã được các tổ chức, cá nhân áp dụng ngày một nhiều.
Đối với 8 đề án thành phần, hỗ trợ phát triển sản xuất đã cơ bản được triển khai thực hiện có hiệu quả và hết năm 2018 đã có một số nội dung chính sách có hiệu quả về đích sớm so với dự kiến và sẽ đạt, vượt mục tiêu kế hoạch trong những năm tới.
Đó là chính sách hỗ trợ trồng cây ăn quả cho hộ gia đình đã trồng 1.790,87 ha/2.800 ha đạt 63,96% kế hoạch; trồng chè vùng cao 406 ha, đạt 42% kế hoạch; quế 17.918 ha/19.500 ha, đạt 92% kế hoạch; tre măng Bát độ 4.074 ha/10.100 ha đạt 40% kế hoạch; phát triển cây sơn tra 8.330 ha/10.000 ha, đạt 83%; chăn nuôi đã hỗ trợ 771 cơ sở/1235 cơ sở đạt 62,4% kế hoạch...
Có thể thấy, các đề án, chính sách đã đi đúng hướng, bước đầu thúc đẩy sản xuất phát triển gia tăng về quy mô, số lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh để hướng tới hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên huyện, liên xã...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số nội dung của đề án triển khai chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, có những đề án thành phần triển khai thực hiện rất chậm, nếu không nỗ lực cao độ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và người dân rất khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra như đề án phát triển chè vùng cao; đề án tre măng Bát độ; nuôi cá eo ngách...
Đối với đề án trồng chè vùng cao, mới chỉ trồng đạt 406 ha/KH 950 ha, đạt 42,74% kế hoạch đề án. Như vậy, năm 2019 và 2020 toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm 544 ha nữa thì đạt mục tiêu đề án. Đề án tre măng Bát độ mới đạt 19,32% kế hoạch.
Nguyên nhân đạt thấp là công tác bố trí quy hoạch đất phục vụ cho phát triển trồng tre măng Bát độ của các địa phương ban đầu là chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, việc chủ động về giống tre măng Bát độ đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, dẫn đến tiến độ thực hiện đạt thấp.
Như vậy, năm 2019 và 2020, chúng ta phấn đấu trồng thêm 2.631 ha nữa thì đạt mục tiêu Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh. Đề án nuôi cá eo ngách mới triển khai 36 cơ sở/KH 200 cơ sở, đạt 18% kế hoạch đề án.
Nguyên nhân đạt thấp là do mực nước hồ Thác Bà lên xuống thất thường, các eo ngách nuôi cá không còn nhiều; đồng thời, nuôi cá eo ngách không an toàn, hiệu quả thu hoạch thấp. Vì vậy, người dân ít nuôi và chuyển sang nuôi cá lồng hiệu quả hơn.
Rõ ràng, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét. Để thực hiện một cách hiệu quả hơn nữa, đảm bảo đúng mục tiêu, kế hoạch cấp bách trong năm 2019, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân và cấp ủy chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở về TCCNNN.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với các sở, ban, ngành, với UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thu hút các doanh nghiệp tham gia cơ cấu lại nông nghiệp, liên kết một số địa phương có lợi thế để hình thành các vùng chuyên canh, tạo nên chuỗi giá trị bền vững, xây dựng thương hiệu.
Thực hiện 37 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tập trung phát triển mạnh 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị theo phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ; trồng dâu nuôi tằm; gỗ nguyên liệu.
Bên cạnh đó, phát triển 10 sản phẩm đặc sản gồm: lúa nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, sơn tra, chè Shan hữu cơ, gà đen đặc sản vùng cao, lợn bản địa Yên Bái, vịt bầu Lâm Thượng, quế hữu cơ, cây dược liệu.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chính sách, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch sản xuất theo 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm là đặc sản của địa phương) theo mô hình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.
Phát huy hình thức tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp trong chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời, sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn, được cấp có thẩm quyền công nhận.
Tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Hỗ trợ nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020”.
Cụ thể là các chính sách về đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản địa phương; hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị sản xuất và được cấp chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ cho các đơn vị tham gia các hoạt động tuyên truyền quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường.
Vấn đề nữa là, để thực hiện đề án TCCNNN đạt hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở là hàng đầu. Bởi vì, các điều kiện sản xuất đều nằm ở địa phương, chỉ có người dân và chính quyền địa phương mới hiểu rõ tiềm năng, lợi thế, điều kiện sản xuất của mình và mong muốn, quyết tâm thực hiện hay không, nên đây là yếu tố then chốt quyết định cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành công.
Thanh Phúc