Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, sản xuất đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt; môi trường xanh - sạch - đẹp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình - Lã Tuấn Hưng cho biết: chương trình XDNTM ngày càng rõ nét về hiệu quả; chất lượng đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa mạnh. Người dân nhận thức rõ lợi ích và tích cực tham gia XDNTM.
Không chỉ XDNTM mà các xã còn tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) gắn với XDNTM. Do vậy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có bước phát triển mạnh, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường mang lại hiệu quả cao.
Cùng đó, huyện xác định mục tiêu cốt lõi và đích đến của XDNTM và TCCNNN là nâng cao sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, do vậy, các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất; gắn kết quả XDNTM với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể.
Đồng thời, gắn XDNTM với việc thực hiện có hiệu quả đề án TCCNNN. Bằng sự nỗ lực cao, hết năm 2018, huyện đã có 8 xã đạt chuẩn NTM; 13 xã đạt 10 - 15 tiêu chí; 8 xã đạt 10 tiêu chí và còn 3 xã đạt từ 3 - 5 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí khó thực hiện nhất là hạ tầng cơ sở, nhất là mạng lưới giao thông thì đến nay huyện đã làm khá tốt và đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ riêng năm 2018, đã bê tông hóa gần 40 km đường với tổng vốn đầu tư trên 34 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng, nâng số xã đạt chuẩn về giao thông lên 9 xã, đạt 37,5%.
Đối với thủy lợi, huyện đang quản lý và khai thác tốt 478 công trình thủy lợi, đáp ứng nước tưới cho trên 4.311 ha lúa, hoa màu và đến nay đã có 21/24 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, đạt 87,5%. Ngoài thành phố Yên Bái, Yên Bình là huyện duy nhất có 99,8% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và cả 24 xã đạt chuẩn về tiêu chí điện.
Công tác y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội không ngừng được nâng cao, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Cùng với XDNTM, sản xuất nông lâm nghiệp cũng phát triển không ngừng, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung với khối lượng hàng hóa lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Huyện tập trung phát triển và xây dựng các sản phẩm chủ lực như xã Bạch Hà đã được cấp nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà”, xã Đại Minh và Hán Đà phát triển dự án sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất tiêu thụ bưởi Đại Minh; các xã: Mông Sơn, Vĩnh Kiên, Hán Đà, Thịnh Hưng thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm cá trên hồ Thác Bà...
Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp liên tục tăng trưởng mạnh và năm 2018 đạt 2.150 tỷ đồng, đạt 107,5% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực đạt trên 27.810 tấn, đạt 104,9% kế hoạch. Đây cũng là năm thành công trong chăn nuôi gia súc, gia cầm với sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 8.647 tấn, đạt 125% kế hoạch tỉnh giao.
Vài năm gần đây, chăn nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà phát triển mạnh và đang trở thành ngành kinh tế chủ lực không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu ở các xã vùng hồ. Bằng những cơ chế, chính sách hỗ trợ làm lồng cá, nuôi cá eo ngách, chuyển diện tích kém hiệu quả sang đào ao thả cá đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Toàn huyện có hàng ngàn lồng cá và hàng chục héc - ta nuôi cá eo ngách, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi cá trên hồ Thác Bà, tạo sản phẩm khối lượng hàng hóa lớn. Năm 2016, sản lượng khai thác đạt chưa đầy 5.000 tấn, năm 2017 tăng lên trên 6.000 tấn và năm 2018 đạt 7.520 tấn; giá trị mang lại hàng chục tỷ đồng. Quan trọng hơn là đã chuyển mạnh từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng theo hướng thâm canh và bán thâm canh bền vững, hiệu quả.
Nhờ TCCNNN gắn với XDNTM, cơ sở vật chất nông thôn được đầu tư xây dựng đáp ứng cho phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm xuống còn 13%...
Thanh Phúc