Xác định đòn bẩy cho nền nông nghiệp nằm ở khâu tiêu thụ sản phẩm, những năm qua, huyện Văn Yên đã chú trọng nhiều hơn đến khâu quảng bá, tìm kiếm thị trường và xây dựng vùng nguyên liệu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, kỹ thuật vào chế biến, cải tiến và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: tỷ trọng ngành nông nghiệp của Văn Yên chiếm tới 69,7%, với giá trị sản xuất năm 2018 đạt 1.567 tỷ đồng. Do vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ lực trong công tác chỉ đạo của huyện”.
Trong sản xuất, Văn Yên ưu tiên phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở chế biến, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giống, thủy lợi, canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh tổng hợp nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Cụ thể, đối với cây lúa, duy trì ổn định diện tích 5.950 ha; xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao diện tích trên 1.000 ha tại các xã có điều kiện thuận lợi và có trình độ thâm canh như: Đại Phác, Yên Phú, An Thịnh, Đông Cuông và một số xã vùng thấp của huyện; xây dựng và duy trì thương hiệu gạo Chiêm hương Đại - Phú - An.
Đối với cây ngô, huyện tập trung thâm canh tăng năng suất, đưa các giống ngô mới có tiềm năng, năng suất, chống chịu biến đổi khí hậu, tạo thành vùng sản xuất tập trung với diện tích 6.050 ha. Đồng thời, chú trọng mở rộng diện tích ngô đồi tại các xã vùng cao; chuyển đổi một số diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi và phát triển ổn định, bền vững 3.100 ha sắn, đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn.
Xây dựng vùng sản xuất rau với diện tích trên 11 ha đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng một phần nhu cầu rau cho thị trường trong và ngoài huyện.
Cùng đó, phát triển ổn định vùng nguyên liệu quế 40.000 ha quế. Chất lượng quế của Văn Yên có sự khác biệt rõ ràng so với các loại quế trồng ở vùng khác thông qua chỉ tiêu về chất lượng và hàm lượng tinh dầu cao.
Bởi những đặc trưng đó, trong những năm gần đây, cây quế đã làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế của nông dân huyện Văn Yên. Nguồn thu từ quế mỗi năm đem về cho Văn Yên hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động thường xuyên và lao động thời vụ.
Nhiều sản phẩm có giá trị từ quế như: tinh dầu quế được chiết xuất theo công nghệ hiện đại ở nhiệt độ cao từ cành, ngọn, lá cây quế; các sản phẩm nổi tiếng từ vỏ quế được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi...
Nhận biết giá trị to lớn từ cây quế, tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy nhân dân trồng quế; những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đủ mạnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người trồng quế trên địa bàn.
Đồng thời, để nâng cao vị thế cây quế, tỉnh cũng đã xây dựng, xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế của huyện Văn Yên, góp phần đưa cây quế trở thành cây trồng chủ lực không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Xác định phát triển chăn nuôi là một nguồn thu quan trọng và đảm bảo giá trị sản xuất nông nghiệp, 2 năm qua, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai các chính sách hỗ trợ để người dân phát triển số lượng đầu đàn, đa dạng chủng loại, hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi có quy mô, gắn chăn nuôi với kiểm soát dịch bệnh.
Đến nay, toàn huyện có 70 cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung với quy mô từ 10 con trở lên; 8 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 100 con/lứa; 55 cơ sở nuôi lợn nái sinh sản quy mô 15 con và 25 cơ sở nuôi gia cầm quy mô 1.000 con trở lên.
Với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng gắn với thương hiệu, uy tín, huyện Văn Yên đã và đang khẳng định hướng đi trong sản xuất và hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu nông sản giúp nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa trên địa bàn.
Hoàng Anh