Tuy nhiên, làm gì để nâng cao và hoàn thành các tiêu chí NTM luôn được Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây trăn trở. Bởi lẽ, giống như bao xã miền núi khác, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Tân Thịnh cũng gặp nhiều khó khăn của xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, nhiều dân tộc chung sống, trình độ dân trí không đồng đều.
Trước những khó khăn ấy, Tân Thịnh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó, xác định việc nâng cao thu nhập và giảm hộ nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Phát huy vai trò của mỗi cán bộ đảng viên, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các tổ chức hội, đoàn thể từ xã đến thôn vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa thị trường; chuyển đổi diện tích đất trồng chè, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi với khối lượng hàng hóa lớn.
Cùng đó là phương châm "Xây dựng NTM từ mỗi gia đình, mỗi người dân”. Trước mắt, tập trung chỉnh trang nhà cửa, sửa chữa nâng cấp chuồng trại chăn nuôi, công trình vệ sinh, hiến đất sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông, nhà văn hóa. Xác định nông nghiệp là mũi nhọn, nhân dân đã bắt đầu thay đổi cách sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún lên sản xuất hàng hóa, lấy giá trị kinh tế trên mỗi héc - ta canh tác là thước đo chứ không làm theo phong trào.
Nhờ vậy, trên địa bàn đã có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế như: chăn nuôi thỏ, nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi ba ba giống, ba ba thương phẩm; chuyển đổi được hàng chục héc - ta ruộng kém hiệu quả sang nuôi thủy sản.
Cây chè đã một thời là cây thế mạnh của Tân Thịnh, tuy nhiên do nhiều diện tích chè già cỗi, năng suất kém và trong vài năm trở lại đây thị trường không ổn định, so với cây trồng khác giá trị không cao nên nhân dân trong xã đã chuyển đổi 80 ha chè sang trồng cây ăn quả.
Đến nay, Tân Thịnh là một trong các xã có vùng cây ăn quả có múi, nhất là cây cam phát triển mạnh mẽ và mỗi năm thu về hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135, vốn chương trình xây dựng NTM, hỗ trợ cây con giống, hỗ trợ các mô hình chăn nuôi: nuôi gà thịt, lợn thịt, lợn nái, nuôi trâu, bò sinh sản, trồng cây ăn quả, trồng rừng. Từ các mô hình, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ông Trần Văn Dĩnh - Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho hay: với việc năng động áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chí thú làm ăn, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Toàn xã có hàng chục trang trại có thu nhập từ 100 triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Với những lợi thế đã có, cùng với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, cây công nghiệp và trồng cây ăn quả có múi, khai thác và chế biến gỗ rừng trồng… thu nhập người dân ngày một nâng cao. Cụ thể, năm 2017 đạt từ 28 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2018 đã đạt từ 32 triệu đồng và xã đang phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm trở lên.
Cùng với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, xã Tân Thịnh còn phát triển mạnh hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi phục tốt nhu cầu đi lại và sản xuất; tập trung nâng cao các tiêu chí NTM; xây dựng cuộc sống ấm no, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Thanh Phúc