Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, thời gian qua, huyện Yên Bình đã có những giải pháp, bước đi phù hợp.
Các ngành, đoàn thể trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp...
Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả, thông qua nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135 và nguồn vốn xã hội, đến nay, huyện đã trồng mới gần 700 ha, bằng 62,4% kế hoạch.
Với đề án phát triển cây quế, toàn huyện đã trồng mới hơn 600 ha, bằng 50,2% kế hoạch so với mục tiêu năm 2020, trong đó, người dân tự trồng không có hỗ trợ gần 350 ha, thực hiện trồng có hỗ trợ hơn 250 ha.
Trong đề án phát triển tre măng Bát độ, huyện đã giao chỉ tiêu, kế hoạch cho 5 xã: Xuân Long 8,96 ha, Phúc Ninh 27,2 ha, Mỹ Gia 59,84 ha, Xuân Lai 8,4 ha, Yên Thành 1,5 ha. Tuy nhiên, do điều kiện đất đồi dốc, khô cằn, không có nguồn nước tưới; đất phân tán nhỏ lẻ không có khả năng bảo vệ, chăm sóc nên nhiều hộ ở các xã đã xin chuyển sang trồng cây lâm nghiệp (keo, bạch đàn).
Thực hiện đề án phát triển chăn nuôi, đến nay, huyện Yên Bình đã thực hiện hỗ trợ 93 cơ sở chăn nuôi trâu, bò với tổng kinh phí 1.395.000.000 đồng; hỗ trợ 43 cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm với tổng kinh phí 955.000.000 đồng.
Thực hiện đề án phát triển thủy sản, từ năm 2016 đến tháng 12/2018, toàn huyện đóng mới 1.345 lồng cá. Năm 2016 và 2017, huyện đã hỗ trợ 36 cơ sở với 158,8 ha cá quây lưới, tổng kinh phí thực hiện 700 triệu đồng.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 1.080 ha mặt nước nuôi cá, gồm 580 ha ao và hồ, đập thủy lợi nuôi cá, 400 ha nuôi cá quây lưới và 100 ha mặt nước hồ Thác Bà nuôi 1.000 lồng cá với tổng sản lượng thủy sản đạt 7.000 tấn, huyện Yên Bình đang tiếp tục triển khai đề án phát triển thủy sản một cách sâu rộng.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản; kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và tiếp tục bổ sung nguồn lợi thủy sản trên các ao, hồ lớn; sử dụng và phát huy hiệu quả diện tích mặt nước, mở rộng các hình thức nuôi, đối tượng nuôi; đẩy mạnh và khuyến khích nuôi thâm canh, bán thâm canh, nhất là thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Thực tế cho thấy, việc triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách đã trở thành cú huých lớn để người dân mạnh dạn chuyển đổi cách thức làm ăn và quyết tâm đầu tư theo hướng mô hình, góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, từng bước hình thành các vùng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.
Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã đi vào lòng dân và đây sẽ là động lực để huyện Yên Bình tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Hiện tại, huyện Yên Bình đã lập hồ sơ đề nghị công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: vùng bưởi Đại Minh quy mô 300 ha, tại xã Đại Minh 220 ha và xã Hán Đà 80 ha; vùng nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà tại thị trấn Thác Bà.
Thời gian tới, cùng với tập trung phát triển vùng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng nông sản, huyện Yên Bình sẽ chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm như: nhãn hiệu tập thể gạo Bạch Hà; nhãn hiệu thủy sản hồ Thác Bà; xúc tiến thương mại, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển thủy sản hồ Thác Bà.
Hướng dẫn các xã rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đề xuất các dự án sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị để thực hiện nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân tham gia góp vốn, nhân công và liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất thủy sản xuất khẩu...
Hồng Oanh