Văn Yên thắp lửa khởi nghiệp cho thanh niên

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/3/2019 | 2:15:45 PM

YênBái - Giải quyết khó khăn về vốn, lắng nghe ý kiến và thấu hiểu nhu cầu cấp thiết của thanh niên, để có hướng giải quyết kịp thời; tin tưởng, mạnh dạn giao việc cho thanh niên để vừa thử thách năng lực, vừa phát huy vai trò xung kích của thanh niên đối với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Yên đã và đang đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp.

Lãnh đạo huyện Văn Yên trao giải trong Cuộc thi
Lãnh đạo huyện Văn Yên trao giải trong Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018.

Với đoàn viên Nguyễn Tuấn Anh, thôn Khe Dứa, xã Yên Phú, con đường khởi nghiệp chính là đồng đất quê hương, nơi anh sinh ra và lớn lên. Tuấn Anh đã tận dụng có hiệu quả nguồn nước tự nhiên, diện tích mặt nước trên đập thủy lợi của địa phương để thực hiện mô hình nuôi cá lồng. 

Năm 2015, Tuấn Anh đã bắt tay vào nuôi cá lồng và quy mô ban đầu là 5 lồng với các giống cá thông thường như: trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính… giá trị kinh tế mỗi năm sau khi trừ chi phí đạt gần 100 triệu đồng. Không bằng lòng với thành quả bước đầu, Tuấn Anh tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích mặt nước để phát triển thêm 15 lồng cá, nâng giá trị thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm. 

Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Những tiềm năng về diện tích mặt nước, thổ nhưỡng, khí hậu vẫn đang bị lãng phí, chưa khai thác triệt để… Vì vậy, tôi đang có ý tưởng chuyển từ nuôi cá lồng thông thường sang nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh tốt và có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, trong 15 lồng cá, tôi đang nuôi 2 lồng cá lăng và cá chiên cho thu nhập gấp 2 lần cá trắm, gấp 3 đến 4 lần cá chép và cá rô phi đơn tính”.

Tương tự như vậy, đoàn viên Trần Thị Nương ở thôn Đức Tiến, xã Đông An đã xây dựng ý tưởng thành lập tổ hợp tác sản xuất, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế. Khi xây dựng ý tưởng này, Trần Thị Nương mong muốn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, ổn định đời sống, nhất là cho lực lượng đoàn viên thanh niên địa phương, đồng thời, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của thương hiệu quế Văn Yên. 

Để thực hiện ý tưởng này, Trần Thị Nương đã mời gọi 5 đoàn viên thanh niên cùng tham gia góp công, góp sức, góp vốn. Các bạn đã cùng nhau học nghề chế tạo ra các sản phẩm từ quế như: đồng hồ, lọ tăm, lọ hoa, đèn ngủ… với những đường nét hoa văn mang đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc. 

Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ, tổ hợp tác sản xuất của Trần Thị Nương đã chế tác tinh xảo nhiều sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, đẹp mắt, hấp dẫn và độc đáo cùng mùi hương thơm nồng ấm, đặc trưng của cây quế. 

Trần Thị Nương tâm sự: "Mô hình khởi nghiệp này được triển khai, nhân rộng sẽ khắc phục được những mặt hạn chế của kinh tế hộ gia đình như: thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... Đồng thời, sử dụng hiệu quả lực lượng lao động tại chỗ, khắc phục điều kiện sản xuất manh mún, nhỏ lẻ”.

Với quy mô nhà xưởng và sân phơi 100 m2, chi phí mua máy móc, nguyên liệu đầu vào 50 triệu đồng, nhóm hợp tác của Trần Thị Nương đã có thu nhập bình quân mỗi tháng 10 triệu đồng. 

Những năm gần đây, vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Yên dành sự quan tâm đặc biệt. Đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho thanh niên, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp như: quan tâm giải quyết vấn đề vốn; xây dựng và phát triển mô hình kinh tế. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tin tưởng, mạnh dạn giao việc cho thanh niên để vừa thử thách năng lực vừa phát huy vai trò xung kích của thanh niên đối với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Các cơ sở Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn ủy thác tại 16 xã với tổng số tiền trên 62,5 tỷ đồng. Phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất trong thanh niên. 

Kết nối các nguồn vốn, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên, trên địa bàn huyện được tiếp cận, kết nối với các doanh nhân, doanh nghiệp, công ty thành đạt để học hỏi, tiếp thu và định hướng được công việc trong tương lai. 


Mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của đoàn viên Trần Thị Nương.

Trong năm 2017 và 2018, huyện Văn Yên đã tổ chức gặp mặt cán bộ Đoàn chủ chốt các xã, thị trấn để cùng đối thoại, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, học tập các mô hình phát triển kinh tế và phát động phong trào thanh niên huyện Văn Yên khởi nghiệp; tổ chức Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp” nhằm khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp kinh doanh cho các bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn, làm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. 

Với những chính sách và sự đồng hành, cùng vào cuộc của đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Văn Yên, đoàn viên thanh niên ở các xã trong huyện bằng ý chí và nghị lực của mình đã chủ động lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp để "khởi nghiệp" và bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. 

Đến nay, toàn huyện đã có trên 35 mô hình sản xuất, kinh doanh của thanh niên đang phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập tốt và làm giàu chính đáng cho thanh niên, tạo ra những hiệu ứng tích cực về giá trị kinh tế, về an sinh xã hội và môi trường, góp phần từng bước thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. 

Bình quân mỗi năm, các mô hình kinh tế của đoàn viên thanh niên huyện Văn Yên thu nhập gần 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động. Đặc biệt, thông qua cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, đoàn viên thanh niên đã hình thành được 55 ý tưởng, dự án sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông nghiệp, chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ, văn hóa, du lịch, cơ khí. 

Nhiều dự án, ý tưởng có tính khả thi cao có thể áp dụng vào cuộc sống, giải quyết việc làm cho lao động tại nông thôn, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. 

Đồng thời, góp phần quảng bá thương hiệu sản xuất của địa phương như: sản xuất thủ công, mỹ nghệ từ quế; dự án phát triển du lịch sinh thái Nà Hẩu; sản xuất rau an toàn, máy cấy mini không dùng động cơ; sản xuất phân hữu cơ từ vỏ lạc; giường Inox hỗ trợ người tàn tật và người cao tuổi; bảo tồn men lá của dân tộc Dao; sản xuất dầu gội đầu túi lọc 100% từ nguyên liệu thiên nhiên; trồng cây dược liệu; chăn nuôi lợn rừng thương phẩm…

Anh Đỗ Văn Thành - Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Văn Yên cho biết: "Huyện đã và đang tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp thông qua việc cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên; từng bước đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp và tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy trong quá trình khởi nghiệp của tuổi trẻ trong huyện”.

 Anh Dũng

Các tin khác
Quang cảnh buổi hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2018 tại Tổng cục Thuế.

Bắt đầu từ 14h00 ngày 6/3/2019, tại website Tổng cục Thuế (www.gdt.gov.vn), Tổng cục Thuế tổ chức Chương trình hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2018. Chương trình kéo dài đến hết tháng 3/2019.

Vừa qua, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên tổ chức Lễ ra mắt Hợp tác xã (HTX) Dâu tằm tơ Việt Thành. HTX được thành lập với sự tham gia tự nguyện của 11 thành viên, tổng vốn điều lệ 2 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Yên đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi hình thành những vùng sản xuất tập trung, những trang trại, gia trại có quy mô lớn.

Ước 2 tháng đầu năm 2019 tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 2.554 tỷ đồng, tăng 10,10% so cùng kỳ. 



Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục