Trong không khí thi đua sôi nổi của tuổi trẻ cả nước hưởng ứng Tháng Thanh niên, chúng tôi về thăm mô hình trồng rừng và chăn nuôi của anh Triệu Hoài Thương, thôn Làng Hốc là Phó Bí thư Đoàn xã An Lạc, huyện Lục Yên.
Với quyết tâm làm giàu trên quê hương mình, sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì đi làm ăn xa như nhiều thanh niên khác, anh Thương ở lại quê làm kinh tế. Nhận thấy gia đình có nhiều đất đồi rừng bỏ trống, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng keo, mỡ, trẩu kết hợp nuôi dê.
Để có thêm kiến thức phát triển kinh tế, năm 2010 anh Thương theo học lớp Đại học Nông lâm do trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên mở tại huyện. Sáng đi học, chiều tranh thủ lên rừng chăn dê, chăm sóc cây, đến năm 2018, anh Thương khai thác 3 ha keo, trừ chi phí thu về trên 200 triệu đồng; bán đàn dê thu về trên 30 triệu đồng.
Có vốn, anh tiếp tục trồng mới 5 ha rừng và đầu tư 50 triệu đồng đào 3 sào ao thả cá. Hiện nay, ao cá của anh có khoảng 5 tạ cá trắm và 1.000 con cá bỗng (giống cá đặc sản của Lục Yên). Để có thu nhập ngắn trong khi chờ đợi các nguồn đầu tư dài hơi từ trồng rừng, anh Thương nuôi thêm 200 con gà thịt và đang hứa hẹn cho thu nhập khá.
Anh Thương chia sẻ: "Là Phó bí thư Đoàn xã, mình xác định cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu đa dạng hơn mô hình kinh tế. Trước mắt, chăm tốt đàn gà, ao cá và nuôi dê, tuyên truyền, vận động, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn đoàn viên thanh niên”.
Chia tay anh Thương, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà thả vườn của đoàn viên Lã Cao Hùng ở thôn Hàm Rồng. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hùng xác định sẽ tận dụng đất đai sẵn có để bám trụ với quê hương. Trò chuyện với Hùng, chúng tôi cảm nhận được ở anh một thanh niên giàu nghị lực, ham học hỏi, có chí vươn lên làm giàu.
Những năm 2010, khi nghề nuôi nhím phát triển mạnh, Hùng đã mạnh dạn đầu tư nuôi nhín. Tuy nhiên, sau đó nghề nuôi nhím thất bại do không có đầu ra. Không nản chí, Hùng tiếp tục đi nhiều nơi tham quan, học tập các mô hình kinh tế khác và năm 2017 anh đầu tư trồng 200 gốc bưởi và 300 cây cam Vinh. Nhờ chịu khó chăm bón, hiện nay, vườn cây ăn quả của Hùng đang phát triển rất tốt, hứa hẹn 2 năm tới sẽ cho thu hoạch.
Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, Hùng nuôi thêm mỗi năm 2 lứa gà thịt, mỗi lứa 150 - 200 con. Không chỉ tăng thu nhập, chăn nuôi còn cho thêm nguồn phân chăm bón cây trồng. Tận dụng nguồn nước tự nhiên sẵn có, Hùng đào ao thả cá, mỗi năm cho thu trên 10 triệu đồng.
Ngoài trồng cam, bưởi, nuôi gà, cá, Hùng còn có trên 4 ha rừng bồ đề 2 năm tuổi, 1 mẫu ruộng và 6 sào trồng cây dâu tằm để tiến tới anh sẽ đưa nghề nuôi tằm về địa phương.
Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gà đang phát huy hiệu quả kinh tế của đoàn viên Lã Cao Hùng.
Hùng cho biết: "Thời gian tới, mình mong muốn tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động thăm quan, học tập mô hình làm kinh tế và hỗ trợ vay vốn để mở rộng mô hình phát triển kinh tế góp sức xây dựng quê hương”.
Cũng như các địa phương trong huyện, thời gian qua, do không có việc làm ổn định nên nhiều thanh niên trên địa bàn đã rời quê đi lao động ở các khu công nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động Đoàn.
Khắc phục khó khăn này, Đoàn xã An Lạc xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế trong thanh niên, thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp cho các bạn trẻ, nên đã tăng cường tuyên truyền, định hướng cho thanh niên những tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước…
Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp do Huyện đoàn, Tỉnh đoàn tổ chức.
Đoàn xã An Lạc cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, lập danh sách và mời các bạn đoàn viên thanh niên có nhu cầu đi thăm, học tập mô hình ở các địa phương trong huyện; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.
Khuyến khích, động viên các đoàn viên thanh niên tận dụng đất đồi để trồng rừng kinh tế như keo, quế, bồ đề, đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện; chú trọng xây dựng các mô hình chăn nuôi gà, lợn, dê…; tận dụng nguồn nước khe suối sẵn có, đào ao thả cá, tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đoàn xã còn thường xuyên đến thăm, động viên và tư vấn, giúp đoàn viên thanh niên kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ bước đầu lập nghiệp; qua đó, đã tiếp thêm động lực, tạo sự gắn kết và thu hút, tập hợp thanh niên.
Nhờ có định hướng đúng đắn, đến nay, Đoàn xã An Lạc đã xây dựng được hàng chục mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ.
Anh Trần Văn Khơi - Bí thư Đoàn xã An Lạc cho biết: "Thời gian tới, Đoàn xã An Lạc tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho thanh niên trong phát triển kinh tế. Gắn bó, gần gũi, kịp thời chia sẻ, động viên để các bạn trẻ từng bước xây dựng thành công các mô hình kinh tế, góp sức trẻ làm giàu cho quê hương”.
Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, Phong trào Tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp trên quê hương của thanh niên xã An Lạc đã được phát huy mạnh mẽ. Nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần cải thiện đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Anh Dũng