Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Yên Bái tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng cao và phát triển, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Tỉnh cũng đã xác định 10 sản phẩm chủ lực, gồm: chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, nuôi trồng và khai thác thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, trồng dâu nuôi tằm, gỗ nguyên liệu, cây lương thực và 10 sản phẩm đặc sản, gồm: nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, sơn tra, chè Shan Suối Giàng, gà đen đặc sản vùng cao, lợn bản địa Yên Bái, vịt bầu Lâm Thượng, quế và cây dược liệu.
Tỉnh quan tâm nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất như: kỹ thuật canh tác lúa cải tiến "ba giảm, ba tăng”, tưới tiết kiệm nước (SRI); cải tạo nâng cao chất lượng giống trong chăn nuôi như: cải tạo đàn trâu, bò, lợn bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo bằng các giống có năng suất, chất lượng như: bò BBB, lợn ngoại có tỷ lệ lạc cao; sản xuất rau an toàn trong nhà lưới và trồng rau thủy canh đạt tiêu chuẩn VietGAP; nuôi thâm canh thủy sản và phát triển nuôi cá lồng bằng các giống có giá trị kinh tế cao như: các chiên, cá nheo, các tầm, cá hồi...
Nhờ đẩy nhanh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị một số các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đẩy mạnh phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực và sản phẩm đặc sản theo chuỗi giá trị, theo phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 168 HTX nông nghiệp; 142 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 18 trang trại chăn nuôi, trồng trọt có quy mô lớn và 486 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc thúc đẩy các hình thức liên kết trong sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả.
Tỉnh đã chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP được 3 cơ sở chăn nuôi lợn; 3 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và hình thành 13 chuỗi liên kết; trong đó, có 3 chuỗi chăn nuôi liên kết theo hình thức khép kín được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đó là Công ty TNHH Đầm Mỏ nuôi lợn tại thành phố Yên Bái; Hợp tác xã Đại Sơn chăn nuôi lợn tại huyện Lục Yên, Công ty TNHH Nipon Zoki nuôi thỏ tại Văn Chấn.
Tuy nhiên, sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tính bền vững trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp, HTX còn gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư do không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, chưa thực sự năng động và sản phẩm làm ra sức cạnh tranh còn kém, chưa theo kịp với cơ chế thị trường...
Đối với ngành nghề có thế mạnh và có tiềm năng phát triển của địa phương đã được tỉnh và ngành nông nghiệp quan tâm chú trọng. Đến nay, tỉnh đã hình thành được một số làng nghề như: làng nghề miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái; làng nghề tranh đá quý huyện Lục Yên; làng nghề dệt thổ cẩm xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; làng nghề dâu tằm huyện Trấn Yên; làng nghề đan rọ tôm huyện Yên Bình; làng nghề sản xuất mỹ nghệ thủ công từ cây quế huyện Văn Yên... đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Để thực hiện được mục tiêu Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” ( Chương trình OCOP), tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Yên Bái đã thông qua Nghị quyết về quy định mức hỗ trợ mỗi xã một sản phẩm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh và UBND tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm hiện có của các địa phương, tương ứng khoảng 21 sản phẩm; triển khai thực hiện từ 2 - 3 làng văn hóa du lịch; tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp.
Tập huấn nâng cao năng lực 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện tham gia trực tiếp triển khai Chương trình OCOP về nghiệp vụ quản lý, điều hành Chương trình; tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng trên 150 cán bộ quản lý nhà nước (cấp tỉnh, huyện, xã) thực hiện Chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
Tập trung thực hiện các nội dung như: triển khai thực hiện Chương trình OCOP; tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP; triển khai Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP; xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP...
Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, tỉnh sẽ quyết tâm xây dựng, triển khai thành công Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra sức bật mới góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (viết tắt là OCOP) gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Đây là một giải pháp, nhiệm vụ then chốt nhằm tạo sức bật mới trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. |
Đức Toàn