Lần đầu tiên, sản phẩm cà phê Arabica ở tỉnh miền núi Sơn La được xuất khẩu ra thế giới với thương hiệu cà phê Việt Nam chuẩn Specialty.
Theo ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group, thang điểm để xếp hạng Specialty Coffee phải đạt từ 80 điểm trở lên (thang điểm 100). Tuy nhiên, sau khi Phúc Sinh Group đưa sản phẩm cà phê Arabica mang thương hiệu Blue Son La ra quốc tế kiểm nghiệm, sản phẩm đã được chấm tới 84 điểm. Đây cũng là sản phẩm cà phê đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận đạt chuẩn Specialty.
"Tôi nhớ lần đầu tiên đứng trước các chuyên gia về cà phê thế giới, khi được giới thiệu về cà phê Việt Nam đạt chuẩn Specialty, một người đàn ông người Pháp đã cười đến nỗi lăn ra cả ghế, đến nỗi tôi cũng phải phát ngượng. Thế nhưng khi tôi thuyết trình xong về thương hiệu cà phê Blue Son La, mọi người đã vỗ tay rất nhiệt tình và người đàn ông đó đã đến xin lỗi và chúc mừng tôi. Nhưng điều tôi tự hào nhất là hiện nay Việt Nam chúng ta đã chính thức có cà phê được thế giới công nhận đạt chuẩn Specialty”, ông Thông chia sẻ.
Tìm về giá trị cho vùng đất Sơn La
Tại sao lại có Blue Son La? Ông chủ của Phúc Sinh Group - Phan Minh Thông, cho biết xuất phát từ cái duyên trong một lần đến Sơn La, được tiếp xúc với những đồi cà phê Arabica bạt ngàn, được thưởng thức những hạt cà phê Arabica do người dân địa phương sản xuất, đã nung nấu trong lòng ông chủ Phúc Sinh Group kế hoạch sẽ gắn bó với vùng đất này, đưa hạt cà phê đặc sản của địa phương ra thế giới.
"Bà con nông dân ở đây có rất nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số, đã gắn bó với cây cà phê Arabica gần 40 năm nay, là tỉnh có sản lượng cà phê Arabica đứng thứ 2 Việt Nam. Thế nhưng, sản phẩm cà phê Arabica của vùng đất Sơn La chẳng được ai biết đến, thậm chí ở một TP lớn là Hà Nội cũng rất ít người biết đến cà phê Sơn La. Càng đau xót hơn, thậm chí sản phẩm cà phê này còn được đưa vào tận vùng Lâm Đồng, Đăk Lăk để "mạo danh” mới bán được giá”, ông Thông chia sẻ.
Vì vậy, sau khi có ý tưởng phát triển cà phê ở vùng đất này, Phúc Sinh Group đã cử các chuyên gia hàng đầu về đây nghiên cứu và xác định được một điểm rất quan trọng: Với địa hình đồi núi xen kẽ các thung lũng cùng nền đất đỏ vàng tầng dầy phì nhiêu đã khiến Sơn La trở thành nơi thích hợp cho cây cà phê phát triển. Cà phê Arabica được trồng tại đây nhờ hấp thu thổ nhưỡng tốt từ đất và khí hậu, hình thành nên đặc tính riêng biệt với mùi thơm hương hoa, ít vị đắng được xếp vào hạng Specialty Coffee - loại cà phê đặc biệt có thể sánh ngang với những cái tên danh tiếng trên bản đồ thế giới.
Có được nghiên cứu bước đầu, năm 2017, Phúc Sinh Group đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng nhà máy quy mô lớn với dây chuyền sản xuất hoàn toàn nhập khẩu từ Columbia, cùng với hệ thống xử lý nước thải công suất 200m3/ngày đêm, với mong muốn các sản phẩm cà phê đạt chuẩn UTZ, BRC - chuẩn chứng chứng nhận toàn cầu đảm bảo sản xuất có trách nhiệm, mang thương hiệu Sơn La.
"Cà phê xuất khẩu của Việt Nam trước giờ vẫn chủ yếu là dòng Robusta, còn hạt Arabica do ảnh hưởng bởi mức độ ổn định của hàng hóa nên không được các nhà nhập khẩu đánh giá cao. Vì vậy, Phúc Sinh Group quyết định đặt nhà máy tại Sơn La để sản xuất sản phẩm cà phê Arabica mang thương hiệu Blue Son La một cách đồng bộ, trau chuốt theo quy chuẩn UTZ, BRC để phát triển một cách bền vững, hứa hẹn mang đến nguồn cung dồi dào để xuất khẩu ổn định. Và hơn thế, Blue Son La sẽ cho thế giới biết đến loại cà phê đặc sản Sơn La đã được cấp chỉ dẫn địa lý quốc gia”, ông Thông, chia sẻ.
Ra thế giới, các bạn có thể kêu một ly cà phê Blue Son La
Được biết, dù mới chính thức được thế giới công nhận chuẩn Specialty, nhưng lô sản phẩm cà phê mang thương hiệu Blue Son La đã được nước ngoài đặt hàng tới 95%, trong đó nhiều nhất là Đức và Italia.
"Năm đầu tiên, chúng tôi chỉ sản xuất được khoảng 1.000 tấn và đã xuất khẩu được 50 container ra quốc tế. Hiện rất nhiều bạn hàng quốc tế vẫn tiếp tục đặt hàng nhưng chúng tôi không còn, chỉ còn một ít để giới thiệu tại thị trường Việt Nam. Mục tiêu của Phúc Sinh Group là để người Việt Nam được mua cà phê Arabica với chất lượng hàng đầu thế giới, mà không phải qua nhập khẩu”, ông Thông khẳng định.
Cũng theo ông Thông, hiện quy mô sản xuất cà phê Arabica của bà con nông dân tỉnh Sơn La vào khoảng 40.000 tấn (được mùa) hoặc chỉ hơn 20.000 tấn (nếu mất mùa). Tuy nhiên, lượng cà phê này đủ để nhà máy Phúc Sinh tại Sơn La có nguồn nguyên liệu sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra thế giới.
"Khi xuất khẩu ra thế giới, các bạn hàng nhập khẩu sản phẩm cà phê mang thương hiệu Blue Son La phải cam kết với Phúc Sinh Group về việc giữ nguyên thương hiệu khi bán hàng. Điều này nghĩa là nếu bạn sang Đức, vào một quán cà phê có phân phối sản phẩm Blue Son La thì bạn có thể dễ dàng gọi được ly cà phê xuất xứ từ Việt Nam mang thương hiệu Blue Sơn La -Specialty Arabica Coffee”, ông Thông tự hào.
Được biết, với nguồn nguyên liệu cà phê Arabica dồi dào từ Sơn La, sắp tới Phúc Sinh Group sẽ đẩy mạnh phát triển ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, tại thị trường Việt Nam, bằng việc mở rộng chuỗi cửa hàng cà phê (K Coffee) từ 10 cửa hàng (hiện tại) lên khoảng 30-50 cửa hàng K Coffee trong năm 2019.
(Theo Dân Việt)