Đảng, Nhà nước ta khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân là một lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực tế đã cho thấy, những năm gần đây, doanh nghiệp, doanh nhân Yên Bái đã góp phần to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa Yên Bái trở thành một tỉnh phát triển trong khu vực. Doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế địa phương.
Liên tục trong nhiều năm, bộ mặt kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực, các ngành, các lĩnh vực phát triển ổn định, thu hút đầu tư đạt kết quả khá, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Năm 2018, là một năm đầy khó khăn, thách thức với nền kinh tế, nhưng Yên Bái vẫn đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 6,31% (tăng hơn so với năm trước 0,12%). 31/31 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Thu ngân sách đạt 2.900 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch năm; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 9.700 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 130 triệu USD. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư khu vực Nhà nước, tăng dần tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước.
Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân còn có vai trò rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh.
Hết năm 2018, tỉnh Yên Bái có 1.941 doanh nghiệp (1.119 công ty TNHH, 435 công ty cổ phần, 349 doanh nghiệp tư nhân, 24 doanh nghiệp FDI còn lại là doanh nghiệp vốn Nhà nước).
Năm 2018, có 255 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 2.974,5 tỷ đồng, tăng 43 doanh nghiệp (tăng 20,3%) so với năm 2017. Mặc dù quy mô chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng các doanh nghiệp đã vươn lên trong sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 9.671,5 tỷ đồng, tăng 10,9% (tương đương 998,181 tỷ đồng) so với năm 2017 và xếp thứ 7/14 tỉnh trong khu vực.
Một số sản phẩm công nghiệp chính, có chỉ số sản xuất tăng cao so với năm 2017 như: quặng sắt tăng 29,68%; đá xẻ tăng 44,53%; gỗ cưa xẻ tăng 34,14%; gỗ ván bóc tăng 63,14%; xi măng tăng 11,24%; điện thương phẩm tăng 14,92%, quần áo may sẵn tăng 14,75%...
Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho 35.447 lao động, với mức lương bình quân 5 triệu/đồng/người/tháng. Không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động mà các doanh nghiệp còn nộp ngân sách Nhà nước được trên 1.109,5 tỷ đồng, chiếm 64,14% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh. Những con số trên cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Yên Bái đã đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nhân - yếu tố quan trọng phải nói đến, đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp của tỉnh. Tỉnh Yên Bái đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn.
Đặc biệt, hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo tỉnh tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn phát sinh từ cơ chế đến thị trường để cùng doanh nghiệp giải quyết tháo gỡ.
Yên Bái xác định doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là nội lực phát triển kinh tế - xã hội, do đó, tỉnh luôn theo sát và đồng hành cùng doanh nghiệp, quan tâm và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Xây dựng chính quyền kiến tạo, phát triển, triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi tường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ thông qua việc nghiên cứu xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư, sản xuất phù hợp.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, lao động, khoa học - công nghệ, vốn, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường… để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tiếp cận, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác quy hoạch, kế hoạch được thực hiện tốt, xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng cho chế biến. Nhờ vậy, năm 2018 đã có 35 dự án đầu tư được cấp mới quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 916,3 tỷ đồng và 1,0 triệu USD.
Trong đó, có 19 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 554,7 tỷ đồng và 1,0 triệu USD; còn lại là các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, thương mại và dịch vụ. Như vậy, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 462 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.607 tỷ đồng và 434,4 triệu USD đã được tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Với sự nỗ lực, chung tay cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng; một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đầu tư có bước phát triển theo chiều sâu, ổn định và bền vững. Các doanh nghiệp và doanh nhân đã ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với phương châm, doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là nội lực để Yên Bái ngày một phát triển, chính quyền các cấp luôn theo sát và đồng hành cùng doanh nghiệp; quan tâm và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
Tiếp tục thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về vốn, công nghệ, nhân lực, có kinh nghiệm và thực sự tâm huyết trong đầu tư. Khuyến khích đầu tư vào chế biến sâu khoáng sản có giá trị kinh tế cao; chế biến các mặt hàng nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng cao, vật liệu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu (may mặc); sản xuất linh kiện, phụ kiện lắp ráp các thiết bị điện tử, viễn thông, thiết bị điện quang, điện công nghiệp, máy biến thế; sản xuất phụ tùng, thiết bị.
Cùng với đó, ngoài các cơ chế, chính sách của Nhà nước, Yên Bái còn có các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017-2020 và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2025…
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng với bản lĩnh, năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh chắc chắn doanh nghiệp, doanh nhân Yên Bái tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Thanh Phúc