Những năm trước đây, Yên Bái vẫn còn xảy ra tình trạng chặt phá, khai thác, xâm chiếm rừng, phát rừng làm nương rẫy và có năm, các ngành chức năng phát hiện, xử lý hàng trăm vụ. Đến nay, việc trồng và phát triển vốn rừng đã được chính quyền các cấp, người dân quan tâm hơn. Trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) đã thực sự trở thành nghề, chuyển căn bản từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội.
Ông Tô Xuân Quý - Giám đốc Quỹ BVPTR Yên Bái cho hay: "Việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần nâng cao chất lượng rừng, giữ vững, duy trì hệ sinh thái rừng đầu nguồn. Cùng đó, còn cải thiện sinh kế cho người trồng rừng, bảo vệ rừng, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại những lợi ích to lớn cho những người dân trồng, bảo vệ rừng trong lưu vực được hưởng phí DVMTR, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng cao - nơi có diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn lớn. Toàn tỉnh có trên 256.000 ha rừng nằm trong lưu vực được chi trả phí DVMTR, với trên 40.000 chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia gia đình.
Để việc chi trả, thu phí DVMTR hiệu quả, đúng chế độ, những năm qua, Quỹ BVPTR kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch điều chỉnh thu chi tiền DVMTR năm 2017 và kế hoạch thu, chi tiền DVMTR năm 2018 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ tổ chức thực hiện. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện chính sách chi trả DVMTR, các đơn vị được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ BVPTR tỉnh theo đúng quy định.
Trong năm 2018, Ban Điều hành Quỹ đã ký mới 6 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Công ty Cổ phần Noong Phai (có nhà máy thủy điện Noong Phai tại xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, công suất 21,5 Mw); Công ty cổ phần thủy điện Trạm Tấu (có nhà máy thủy điện Trạm Tấu tại xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, công suất 30 Mw) và Công ty cổ phần Phát triển điện Ma Lừ Thàng (có nhà máy thủy điện Ma Lừ Thàng tại xã Zế Su Phình huyện Mù Cang Chải, công suất 3 Mw).
Ban Quản lý các dịch vụ công cộng huyện Trạm Tấu (nhà máy thủy điện và nhà máy nước sạch suối Tung) và Công ty cổ phần Nước sạch và môi trường Lục Yên (nhà máy nước sạch đập Làng Át), đưa tổng số các đơn vị sử dụng DVMTR đã ký kết hợp đồng ủy thác với Quỹ lên 24 đơn vị, với 27 hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR (có 3 đơn vị ký 2 hợp đồng ủy thác là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành; Công ty TNHH Xuân Thiện và Ban Quản lý các dịch vụ công cộng huyện Trạm Tấu). Thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả tiền DVMTR năm 2017 trên địa bàn các huyện, thị xã.
Kết quả cho thấy, các chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các ban chi trả tiền DVMTR cấp huyện đã cơ bản làm tốt việc chi trả tiền DVMTR đến các chủ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng và chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân theo quy định. Trong năm 2018, Quỹ đã tiếp nhận 126.405 triệu đồng tiền DVMTR, đạt 113,3% so với kế hoạch, bằng 188,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, Quỹ BVPTR Việt Nam phân bổ 94.800,0 triệu đồng, đạt 118,7% so với kế hoạch, bằng 184,1% so với cùng kỳ năm trước. Thu nội tỉnh 31.608 triệu đồng, đạt 99,6% so với kế hoạch, bằng 201,9% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác định diện tích rừng có cung ứng DVMTR và đã tiến hành chi trả với tổng số tiền DVMTR năm 2017 là 66.737,6 triệu đồng đạt 99,4% so với kế hoạch (giảm 361,97 triệu đồng). Nguyên nhân là do 1.460,41 ha rừng sau khi kiểm tra, xác định chưa đủ điều kiện chi trả DVMTR. Tạm ứng tiền DVMTR năm 2018 cho các chủ rừng là trên 10.416 triệu đồng.
Trong năm 2018, Quỹ BVPTR đã tiếp nhận trên 3.868 triệu đồng từ 9 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được UBND tỉnh chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, gồm các dự án: thủy điện Làng Bằng, thủy điện Ma Lừ Thàng, thủy điện Noong Phai, thủy điện Thác Cá 2, thủy điện Đồng Sung, thủy điện Nà Hẩu; dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng chì, kẽm xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải.
Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ chì, kẽm xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải; Dự án khai thác đá hoa trắng, tại Bản Nghè, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái và 6 hộ, cá nhân tại thành phố Yên Bái chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang đất ở. Đưa tổng số tiền trồng rừng thay thế đã nộp về Quỹ tỉnh lũy kế từ năm 2015 đến nay là 10.126,4 triệu đồng, đạt 100%.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự nỗ lực của nhân dân, rừng ngày một được bảo vệ tốt hơn, diện tích ngày một lớn hơn. Người dân đã ý thức hơn trong BVPTR, tình trạng chặt phá, xâm chiếm, khai thác rừng đã giảm rõ rệt và gần như không còn xảy ra ở các khu vực chi trả DVMTR. Cùng đó, người dân đã có thêm nguồn thu góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.
Ngọc Trúc