Gia đình chị Nguyễn Thị Mến ở tổ dân phố 2, TTNT Liên Sơn có gần 5.000 m2 chè LDP 2 được trồng cải tạo cách đây 5 năm. Mặc dù, sau khi trồng cải tạo, giá chè có lúc sụt giảm đáng kể nhưng chị không nản chí mà vẫn tập trung chăm sóc nên vụ chè 2018, chị thu hoạch gần 8 tấn chè búp tươi với giá bán trung bình trên 4.000 đồng/kg.
Phấn khởi sau vụ chè thắng lợi, chị Mến tập trung bón phân và chăm sóc ngay sau kết thúc vụ chè. Cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, hiện chè của gia đình chị đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đến trung tuần tháng 3, chị đã thu lứa chè tạo hình sớm hơn năm trước cả chục ngày.
Chị Mến phấn khởi cho biết: "Với giá mua như gần đây, người làm chè chúng tôi rất yên tâm đầu tư mạnh cho cây chè. Năm nay, thời tiết thuận lợi, gia đình lại chăm sóc, bón phân từ cuối năm trước nên chè nảy lộc sớm và rất đều. Nếu giá chè tiếp tục ổn định, tôi sẽ cải tạo nốt diện tích còn lại và mở rộng thêm để có trên 1 ha chè lai”.
Là một trong những địa phương có diện tích chè tương đối lớn của huyện Văn Chấn, TTNT Liên Sơn hiện có hơn 485 ha, với gần 60% số hộ dân sống bằng cây chè.
Xác định chè là cây trồng mũi nhọn kinh tế, những năm qua, TTNT Liên Sơn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc, thay thế dần những giống chè trung du già cỗi bằng giống chè lai LDP1, LDP2. Với việc ứng dụng cơ giới hóa vào quá trình đào rạch, cải tạo đất nên riêng 4 năm trở lại đây, nhân dân đã trồng mới trên 100 ha, trồng cải tạo gần 200 ha.
Đến nay, diện tích chè trồng mới, trồng cải tạo của TTNT Liên Sơn đạt trên 80%, năng suất bình quân đạt trên 15 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, dù có truyền thống phát triển cây chè, nhưng do hầu hết diện tích đất đai là đất cát pha ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây chè, bởi vậy, thực hiện chủ trương cải tạo những diện tích chè già cỗi, ban đầu nhiều hộ vẫn còn e ngại về khả năng chịu hạn của các giống chè lai. Song, do tập trung tuyên truyền, kết hợp chương trình phát triển vùng chè nguyên liệu của huyện, TTNT Liên Sơn từng bước vận động nhân dân nâng cao chất lượng vùng chè. Sau thời gian cải tạo, đến nay, các giống chè lai đã khẳng định hiệu quả, tạo niềm tin, sự phấn khởi để nhân dân yên tâm phát triển cây chè.
Bà Nguyễn Thị Yến, tổ dân phố 3 chia sẻ: "Đưa các giống chè lai vào thay thế cho thấy cây chè LDP2 có sức chống chịu với thời tiết và cho năng suất rất cao. Mặt khác, giống chè này rất thuận lợi cho việc sử dụng máy móc, giúp giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trồng cải tạo 95% diện tích chè già cỗi và trồng mới 50 ha, đến nay, TTNT Liên Sơn đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển cây chè. Thị trấn đang vận động nhân dân tập trung chăm sóc theo quy trình kỹ thuật để nâng cao hơn nữa chất lượng vùng chè. Cùng đó, thị trấn cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan chức năng của huyện quản lý chất lượng nguyên liệu, vận động nhân dân tập trung chăm sóc, thu hoạch đúng kỹ thuật đảm bảo phẩm cấp.
Ông Phùng Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND TTNT Liên Sơn cho biết: "Chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm động viên nhân dân tập trung phát triển cây chè. Hiện, thị trấn vẫn còn một số diện tích chè trung du chưa được cải tạo, nhưng với giá trị của cây chè như hiện nay thì người làm chè đã và đang chủ động cải tạo để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, do điều kiện địa chất, năng suất, sản lượng của các diện tích chè chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Vì vậy, thị trấn đặc biệt quan tâm vận động nhân dân nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè, sản xuất chè theo hướng sạch và bền vững”.
Ngọc Sơn