Văn Yên nâng cao giá trị cây quế

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/4/2019 | 8:14:35 AM

YênBái - Quế là cây trồng chủ lực của huyện Văn Yên và hàng năm mang lại cho người dân nơi đây 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua đánh giá, lợi ích kinh tế mà loại cây trồng này mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, để nâng cao giá trị của cây quế, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, nổi bật là thu hút đầu tư, quảng bá hỗ trợ doanh nghiệp và mở rộng thị trường.

Người dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn quế giống.
Người dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn quế giống.

Cây quế được trồng ở 27/27 xã thị trấn của huyện Văn Yên, với diện tích trên 40.000 ha, trong đó, diện tích quế tập trung là 25.357 ha. Đến nay, huyện đã xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tại 8 xã hữu ngạn sông Hồng gồm: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng. 

Trong chế biến quế, toàn huyện có 212 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quế; 21 cơ sở sản xuất, chưng cất tinh dầu quế với 11 nhà máy, 12 dây chuyền sản xuất, 10 hộ chưng cất thủ công. Với tổng sản lượng quế vỏ khô đạt trên 7.000 tấn/năm, lá quế 65.500 tấn/năm, gỗ quế 60.000 m3/năm và 300 tấn tinh dầu… trung bình mỗi năm người dân Văn Yên thu về từ cây quế 600 tỷ đồng. 

Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Quế là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho người dân nên huyện luôn xác định nhiệm vụ nâng cao giá trị, vị thế các sản phẩm quế là nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới”. 

Hiện nay, huyện đang tập trung các giải pháp quảng bá tiềm năng, thế mạnh, thương hiệu gắn với tìm kiếm thị trường qua mạng xã hội, các kênh thông tin truyền thông, các lễ hội, hội chợ thương mại. Đến nay, đã có một số cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm quế liên kết với tổ chức phát triển Hà Lan để thực hiện Dự án "Gia vị cuộc sống” với sự tham gia của 1.152 hộ ở 12 xã. 

Cùng đó, huyện tập trung thực hiện các giải pháp thu hút, bố trí các nguồn lực để hoàn thành hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng các cụm công nghiệp, trong đó, trước mắt ưu tiên hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các vùng nguyên liệu với khu chế biến tập trung, cụm công nghiệp. 

Đối với các cụm công nghiệp, huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, phấn đấu hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ bản như: mặt bằng, giao thông, điện nước... 

Cùng đó, huyện quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế, tinh dầu quế theo hướng bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình chế biến các sản phẩm quế nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm quế; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp như: gặp mặt, đối thoại; đơn giản hóa thủ tục hành chính; vận động, giúp đỡ các doanh nghiệp thành lập các hội, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trong trồng trọt, sản xuất, chế biến và tiêu thụ. 

Ngoài những giải pháp trên, để nâng cao giá trị cây quế, huyện chú trọng phát triển, duy trì nguồn nguyên liệu chất lượng. Theo đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát vùng quy hoạch trồng mới, nhu cầu trồng mới của nhân dân; từ đó, lựa chọn các đơn vị cung ứng giống bảo đảm để giới thiệu cho nhân dân; làm tốt công tác bảo tồn giống quế gắn với việc bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc huyện Văn Yên... 

Cùng đó, cán bộ khuyến nông về cơ sở hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mới trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong quá trình cây sinh trưởng; khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hàng hóa của mình; chỉ đạo lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý thị trường, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm thương hiệu, bản quyền, gian lận thương mại…

Hùng Cường

Tags Văn Yên cây quế

Các tin khác

Hiện nay, diện tích cây cam toàn huyện Lục Yên đạt 644 ha. Huyện đã hỗ trợ 2 hộ được cấp giấy chứng nhận sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Khánh Hòa với quy mô 10 ha; đồng thời, tiếp tục xây dựng 1 mô hình sản xuất cam an toàn tại xã Yên Thắng với quy mô 10 ha.

Xã Chế Cu Nha cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng chục cây số, có diện tích tự nhiên 4.301 ha, dân số 3.470 khẩu, 98% là dân tộc Mông. Là một xã thuần nông vùng cao, nên đời sống nhân dân 100% dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố mức điều chỉnh giá các mặt hàng xăng, dầu áp dụng từ 17h ngày 2/4. Mức tăng cao nhất lên tới 1.484 đồng/lít với mặt hàng xăng RON95.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục