Theo đó, trả lời phóng viên về thị trường bán buôn điện cạnh tranh sau 3 tháng vận hành chính thức đến nay, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/1/2019, Bộ Công Thương triển khai mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Theo đó, các tổng công ty được phép trực tiếp mua điện từ một số nhà máy điện. Hiện nay, sản lượng điện được mua trực tiếp chiếm 10% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước.
Cụ thể, ông Tuấn cho biết từ 1/1/2019, bên cạnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn 5 đơn vị nữa được trực tiếp mua điện thông qua thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để cho phép có thêm các tổng công ty được mua điện trực tiếp từ nhà máy và một số nhà máy được bán điện trực tiếp cho các tổng công ty.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong năm 2019 Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét, cho phép thí điểm để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, dự kiến vào năm 2021. Về việc thực hiện Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin, hiện nhiều tỉnh thành phố như Hà Nội hoặc các tỉnh có tập trung nhiều lao động như Hà Nam, Bình Dương, 100% chủ hộ đã ký cam kết bán điện đúng cho các hộ thuê nhà trọ. Các Sở Công Thương cũng có thường xuyên có kế hoạch đi kiểm tra trực tiếp các nhà trọ để đảm bảo điện được bán đúng giá.
Cơ bản hoàn thiện bộ máy quản lý thị trường vào tháng 5
Trả lời phóng viên về việc kiện toàn bộ máy quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) thông tin, việc kiện toàn bộ máy đã được 6 tháng, thực hiện rất quyết liệt nhưng phải đúng quy trình.
Vì Tổng cục QLTT được xây dựng trên cơ sở nâng cấp các chi cục trước đây thuộc Sở Công Thương, do đó xây dựng bộ máy mới và hầu hết đơn vị vị trí lãnh đạo đều được nâng cấp lên. "Việc bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ là thực hiện đúng quy định, phải kiện toàn công tác tổ chức Đảng trước. Bộ đã xin ý kiến cho xây dựng mô hình, với 57 Đảng bộ được thành lập trực thuộc địa phương” – ông Linh cho hay.
Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, đến thời điểm này, cả 63 Cục QLTT đang xây dựng đội ngũ cán bộ và Bộ đã phê duyệt phương án tổng thể về phê duyệt cán bộ các cấp. Hiện tất cả 63 cục đang tiến hành bổ nhiệm các vị trí. "Cách đây 2 tuần Bộ Công Thương đã lên phương án tổng thể về bổ nhiệm cán bộ các cấp cho lực lượng QLTT. Các đồng chí Quyền Cục trưởng phải có đủ thời gian công tác 5 năm mới được bổ nhiệm mới, Bộ đặt ra kế hoạch tháng 4 và hết tháng 5 về cơ bản hoàn thiện xong công tác này" - ông Linh thông tin.
Đối với việc làm giả nhãn mác hàng hóa, theo ông Linh có 2 nguồn: Thứ nhất, rất nhiều doanh nghiệp gia công đặt hàng làm giả nhãn mác ngay ở nước ngoài. Sau đó theo đường mòn, lối mở nhập lậu vào thị trường nội địa. Thứ hai là sản xuất ngay trong nước. Tổng cục QLTT sẽ kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp khi phát hiện trên thị trường những hàng bị làm giả của các hãng nước ngoài. Gần đây, lực lượng QLTT đã bắt hơn 3.000 đồng hồ danh tiếng bị làm giả ở Nha Trang, do hãng nước ngoài biết, phát hiện và báo với quản lý thị trường.
Đối với việc làm giả nhãn mác ở nước ngoài vùng biên giới, sau đó đưa thẩm lậu vào trong nước, Tổng cục QLTT vẫn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan để thực hiện công tác chống hàng giả, hàng lậu. Khi hàng giả, hàng lậu vào thị trường nội địa thì Tổng cục QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngay. "Tuy nhiên, khi hàng lậu, hàng giả tuồn vào thị trường nội địa, đây là cả 1 vấn đề lớn vì liên quan đến xuất nhập khẩu về xuất xứ” – ông Linh khẳng định.
Liên quan tới vụ Con Cưng, ông Linh thông tin, mới đây đơn vị chức năng Bộ Công Thương xem xét và đã có báo cáo toàn bộ quá trình. Trong thời gian sắp tới sẽ có kết luận cuối cùng và có quyết định sớm.
Tiếp tục đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Liên quan đến việc giá xăng dầu được cho là tăng sốc vào ngày 2/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, xăng RON 95 tăng 1.484 đồng/ lít là điều không mong muốn, song thực tế nếu không dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bù thì mức tăng phải là 3.019 đồng/lít…
Trước đó, Chính phủ quyết định ngày 20/3 tăng giá điện. Do đó, vào kỳ điều hành ngày 18/3 vừa rồi, giá xăng dầu thế giới đã tăng, nhưng Chính phủ đã quyết định không tăng giá và dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bù. Ví dụ E5 bù 2.800 đồng/lít, xăng RON 95 bù 2.000 đồng/lít để giữ giá. Sau 15 ngày giá xăng vẫn tiếp tục tăng nên giá xăng dầu trong nước buộc phải tăng theo.
"Bộ chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như người dân tiêu dùng, việc phải tăng giá xăng lần này là điều không mong muốn nhưng bắt buộc phải thực hiện” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thực hiện vai trò quản lý nhà nước về mặt hàng xăng dầu, khi sự cố với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy chiếm gần 40% nguồn xăng dầu cả nước xảy ra, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị nhập khẩu 200.000m3 xăng dầu với thuế suất 20% thay vì 10% nếu nhập theo đường Hàn Quốc để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Đây là nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu sử dụng cũng như điều hành giá. Bộ Công Thương cũng khẳng định luôn nỗ lực để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất và đời sống trong nước.
(Theo dangcongsan.vn)