Trước những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng hàng hoá, địa phương đã chú trọng đến công tác nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho nhân dân. Trong đó, hàng năm xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp mở các lớp tập huấn, học nghề ngắn hạn về chăn nuôi - thú y, sản xuất nông nghiệp, nuôi ong...
Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cũng đã quan tâm với phương châm cầm tay chỉ việc, từ thực tế của từng hội viên, đoàn viên để tư vấn, định hướng phát triển những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện về đất đai, trình độ nhân lực của mỗi gia đình như: người dân ở bản Trống Là, lợi thế gần đường quốc lộ, nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm, trồng mía; bản Trống Gầu Bua, Háng Đề Chu lợi thế đất đai rộng trồng ngô xám mi ni, trồng lạc đỏ; bản Háng Á lợi thế đồi núi nhiều chăn nuôi trâu, bò, dê...
Anh Giàng A Tủa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Bốn cho biết: "Với trên 400 hội viên chiếm gần 80% số hộ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hàng năm đi đôi với vận động các hội viên quan tâm sản xuất nông - lâm nghiệp đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, Hội luôn đồng hành cùng các hội viên phát huy thế mạnh về chăn nuôi, giữ vững tổng đàn đại gia súc của xã trên 3.000 con, trong đó trâu, bò, ngựa trên 1.000 con; lợn, dê trên 2.000 con và hơn 13.500 con gia cầm các loại".
"Đi đôi, tuyên truyền nhân dân đẩy mạnh phong trào trồng ngô nếp xám mi ni đã có nhiều hộ có thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng/năm, như các hộ ông Sùng A Lử, Mùa A Súa ở bản Trống Là; Giàng A Minh ở bản Nả Tà... Ngoài ra, còn hàng chục hộ khác phát triển trồng mía, trồng lạc đỏ...” - anh Tủa nói.
Là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi kinh tế gia đình, anh Giàng A Lầu ở bản Trống Là cho biết: "Để từng bước tăng thêm thu nhập cho gia đình, cùng với sản xuất, chăn nuôi, mấy năm gần đây, tôi đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng ngô, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Ngoài diện tích đất của gia đình, tôi còn thuê trên 1,5 sào đất của người dân bên cạnh để trồng mía".
Anh Lầu chia sẻ: "Mỗi vụ thu được trên 40 triệu đồng từ bán lẻ mía cây, riêng vụ năm 2018, tôi bận việc nên bán đổ cả vườn cũng được trên 30 triệu đồng. Trồng mía hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, đây đang là hướng phát triển kinh tế tốt, đặc biệt là đối với những hộ có đất sản xuất rộng”.
Với đặc thù của xã vùng cao, 99% nhân dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp theo phương thức tự cung, tự cấp nhiều đời nay nên để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ trước mắt, xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động các điều kiện, vật tư cần thiết, hàng năm đảm bảo sản xuất lúa nước đạt trên 260 ha; ngô, rau màu trên 450 ha; chủ động nuôi nhốt, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ giữ vững đàn vật nuôi.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nhờ đó, hộ nghèo của xã đã giảm từ 339 hộ xuống còn 324 hộ năm 2019, hộ khá cũng theo đó mà tăng lên đáng kể, xã phấn đấu bình quân giảm hộ nghèo hàng năm từ 5% trở lên.
A.M