Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ là địa phương đi đầu trong cải tạo, thay thế các giống chè trung du bằng các giống chè lai; nhờ đó, sản lượng chè tăng nhanh theo từng năm. Bà Đỗ Thị Phú, tổ dân phố 7 TTNT Nghĩa Lộ có 1,3 ha chè trước đây đều là chè trung du ở vị trí có độ dốc cao, hạn chế chăm sóc nên gia đình bà không muốn trồng cải tạo lại.
Năm 2014, sau khi thấy bà con trồng cải tạo bằng giống chè LDP có năng suất, chất lượng cao lại có khả năng chịu hạn nên bà đã quyết định cải tạo lại toàn bộ diện tích này. Đến nay, sau hơn 5 năm trồng, chăm sóc, chè sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất trên 15 tấn/ha.
Bà Phú chia sẻ: "Bà con ở đây cải tạo chè trung du bằng 3 giống chính là PH1, LDP1, LDP2 nhưng giống LDP2 vừa cho năng suất cao, vừa chống hạn rất tốt".
Cũng thực hiện chương trình cải tạo chè nhưng bà Hà Thị Xuân, thôn Thác Hoa 3, xã Sơn Thịnh lại cải tạo từng diện tích nhỏ. Việc cải tạo mỗi năm một ít vừa giúp gia đình bà có nguồn thu nhập, vừa có điều kiện thâm canh, chăm sóc diện tích chè mới trồng.
Với kinh nghiệm chăm sóc được đúc rút qua từng năm nên các diện tích chè của gia đình bà Xuân đều sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%. Dù mới tiến hành cải tạo được 3 - 5 năm nhưng đến nay các diện tích chè cải tạo lần đầu của gia đình đã cho thu hoạch với năng suất cao gấp đôi diện tích chè trung du trước đây.
Với gần 5.000 ha chè, Văn Chấn hiện là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh. Chè là cây trồng chủ lực góp phần tạo việc làm cho khoảng 60% lao động địa phương và giúp hàng ngàn hộ dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, quá trình sản xuất, kinh doanh và yêu cầu về chất lượng sản phẩm chè đòi hỏi người dân phải trồng cải tạo lại bằng các giống chè có chất lượng, năng suất cao.
Thực hiện các chương trình hỗ trợ trồng mới và trồng cải tạo, đến nay, huyện Văn Chấn đã có gần 3.000 ha chè được trồng bằng giống chè chất lượng cao. Huyện cũng đã chọn được các giống chè chủ lực, hiệu quả để trồng mới và trồng cải tạo là: LDP1, LDP2, PH1, Phúc Vân Tiên.
Với năng suất trung bình 13 - 15tấn/ha, những diện tích chè giống mới đã đưa năng suất chè bình quân toàn huyện đạt gần 10 tấn/ha/năm, sản lượng hàng năm đạt trên 45.000 tấn. Việc trồng cải tạo giống chè cũ bằng các giống chè mới vừa nâng cao chất lượng, sản lượng vừa có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Các giống chè mới sinh trưởng mạnh, đồng đều, tạo điều kiện để người làm chè áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Phạm Văn Đạt - Đội trưởng đội sản xuất Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ cho biết: "Hiện Công ty đang quản lý vùng nguyên liệu khá lớn, trong đó 90% diện tích đã được cải tạo. Việc cải tạo chè chẳng những giúp đơn vị có vùng nguyên liệu chất lượng ổn định mà còn đưa quy trình sản xuất sạch tiêu chuẩn VietGAP cho bà con áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất. Công ty cũng áp dụng các biện pháp điều tiết quá trình chăm sóc thu hoạch để các diện tích chè cho thu hoạch đều, phục vụ hoạt động sản xuất thường xuyên của nhà máy”.
Việc trồng mới và trồng cải tạo chè ở Văn Chấn đã và đang khẳng định ưu thế, hiệu quả rõ rệt về năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Với năng suất, chất lượng và giá trị cao, các giống chè mới đã góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về công tác trồng cải tạo.
Các vùng chè truyền thống ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn nông trường Liên Sơn, xã Sơn Thịnh hiện đã có 80 - 90% diện tích được trồng cải tạo bằng giống mới. Tuy nhiên, do quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng và ảnh hưởng của thị trường chè trước đây, nên diện tích chè ở một số xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn đã giảm mạnh. Nhiều diện tích chè được trồng trên đồi dốc cao, ít được chăm sóc nên hiệu quả thấp đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây khác.
Để vận động nhân dân trồng cải tạo và giữ vững vùng chè, cần có sự quy hoạch hài hòa giữa cơ sở sản xuất với vùng nguyên liệu. Đồng thời, có cơ chế thích hợp khuyến khích người làm chè yên tâm gắn bó với cây chè.
Kinh nghiệm của các địa phương thực hiện tốt việc trồng, cải tạo chè chính là sự liên kết chặt chẽ giữa người dân với doanh nghiệp và chính quyền để hỗ trợ sản xuất, quản lý cũng như quy hoạch, định hướng phát triển vùng nguyên liệu.
Anh Dũng