Tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất lâm nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp là 469.857 ha, chiếm 68,2% diện tích tự nhiên.
Trong đó, diện tích đất có rừng toàn tỉnh 459.621 ha (rừng tự nhiên 245.681 ha; rừng trồng 213.940 ha), tỷ lệ che phủ của rừng đạt 62,8%. Những năm qua, công tác trồng, phát triển rừng ngày càng được quan tâm. Tận dụng tối đa thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo làm tốt việc quản lý bảo vệ phát triển rừng và phòng chống cháy rừng.
Hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu giấy, gỗ ở các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên... phục vụ cho công nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh như: ván bóc, gỗ ghép thanh, giấy đế, vỏ quế, tinh dầu quế, tre măng Bát độ, quả sơn tra...
Sản xuất lâm nghiệp giờ đã thực sự trở thành một nghề chính và làm giàu được từ nghề rừng. Bình quân mỗi năm, Yên Bái trồng mới trên 15.000 ha, phần lớn là diện tích rừng trồng sản xuất. Đến hết năm 2017, diện tích rừng trồng của tỉnh là 213.940 ha; trong đó, diện tích rừng trồng sản xuất là 156.953 ha, chiếm 73% diện tích rừng trồng toàn tỉnh, sản lượng gỗ bình quân hàng năm đạt trên 460.000 m3.
Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất đã tăng lên trong thời gian qua nhưng chủ yếu là diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ với chu kỳ từ 5 - 7 năm, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường nguyên liệu giấy, dăm gỗ, ván bóc, tỷ lệ gỗ xẻ chỉ chiếm từ 25-30% trong tổng sản lượng gỗ khai thác, dẫn đến hiệu quả kinh tế tăng thêm trên một đơn vị diện tích (ha) còn thấp đạt từ 50 - 70 triệu đồng/ha sau chu kỳ 8 năm.
Thực tế cho thấy, phần lớn người dân và doanh nghiệp trồng rừng vẫn chưa áp dụng triệt để các giải pháp về kỹ thuật và chính sách đầu tư để phát triển rừng trồng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu gỗ xẻ phục vụ cho sản xuất đồ mộc dân dụng và xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, trong giai đoạn đoạn 2011 - 2016 sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 1,5 lần, từ 300 nghìn m3 năm 2011 lên 460 nghìn m3 năm 2016. Lâm sản khai thác chủ yếu từ rừng trồng sản xuất, khai thác tận thu, tỉa thưa rừng trồng phòng hộ, cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu, trong bối cảnh tỉnh Yên Bái đóng cửa rừng tự nhiên.
Song song với phát triển trồng rừng, các cơ sở chế biến cũng luôn song hành và hiện có 520 cơ sở chế biến gỗ (trong đó có 44 doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 476 hộ cá thể). Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất của ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng chủ yếu là sơ chế nguyên liệu thô (ván bóc, ván xẻ thanh), chưa có các sản phẩm được chế biến sâu, đặc biệt, sản phẩm đồ gỗ nội thất văn phòng và gia đình và chỉ có một số ít sản lượng sản phẩm qua chế biến sâu như ván ép, ván ghép thanh xuất khẩu.
Đó là nguyên nhân dẫn tới sản xuất lâm nghiệp nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng chưa thật sự hiệu quả. Trong phát triển vùng nguyên liệu, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 65.575 ha chủ yếu là: keo, bồ đề, mỡ, bạch đàn (keo 36.297,9 ha, bồ đề 24.903,8 ha còn lại là mỡ, bạch đàn).
Hiệu quả từ sản xuất lâm nghiệp mang lại trong những năm qua là không ai có thể phủ nhận được từ môi trường sinh thái đến hiệu quả kinh tế. Năm 2018, giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 1.553 triệu đồng, hàng ngàn hộ nông dân đã và đang sống bằng nghề rừng.
Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, nên người trồng rừng Yên Bái chủ yếu là sản xuất, kinh doanh rừng gỗ nhỏ dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa được khai thác hết. Trong đó, nhiều diện tích rừng trồng keo có khả năng chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thực tế cho thấy, Việt Nam có "rừng vàng, biển bạc”, nhưng việc sản xuất gỗ trong nước mới chỉ đáp ứng được 20% nguyên liệu cho chế biến, 80% còn lại chúng ta đều phải nhập khẩu. Chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực và luôn tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây.
Năm 2018, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đã đạt 9,308 tỷ USD, cán đích trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển rừng. Chính phủ phấn đấu đến năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11 tỷ USD, bằng 133% so với mục tiêu.
Để đáp ứng nhu cầu cho chế biến và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, giải pháp duy nhất là chúng ta phải phát triển rừng gỗ lớn. Trồng phát triển rừng gỗ lớn mang lại lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với sản xuất gỗ nhỏ.
Việc áp dụng mô hình rừng trồng gỗ lớn có ưu điểm vượt trội so với kinh doanh rừng gỗ nhỏ, chu kỳ kinh doanh từ 10 - 12 năm, tổng doanh thu bình quân đạt từ 210 - 250 triệu đồng/ha, thâm canh tốt có thể đạt 500 triệu/ha.
Chế biến gỗ rừng trồng tại Doanh nghiệp Đăng Khoa, huyện Trấn Yên.
Ngoài lợi ích kinh tế cho các chủ rừng thì việc kinh doanh rừng gỗ lớn còn chủ động nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho công nghiệp chế biến. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến đang phải nhập 80% nguyên liệu với giá cả rất đắt đỏ.
Năm 2014, tỉnh Yên Bái thực hiện thí điểm mô hình quản lý rừng bền vững, tiến tới cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Yên Bình do Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) thực hiện Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF), trong đó, có hoạt động giúp đỡ nông dân phát triển sinh kế tại huyện Yên Bình.
Kết quả, năm 2016, các nhóm nông dân của 5 xã: Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Tân Hương, Đại Đồng và thị trấn Yên Bình của huyện Yên Bình được cấp chứng chỉ FSC. Tổng số các hộ được cấp chứng chỉ FSC là 494 hộ với tổng diện tích 1.737,5 ha cây keo tai tượng.
Thời gian cấp chứng chỉ ngày 4/11/2016, thời hạn chứng chỉ đến 3/11/2021. Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng đã và đang phát triển tốt. Sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn còn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, giảm xói mòn đất trong quá trình khai thác.
Trồng rừng gỗ lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc đến công nghệ chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh bung ra quá nhiều cơ sở chế biến ván bóc, để có nguyên liệu doanh nghiệp nâng giá thu mua, cạnh tranh không lành mạnh, nông dân vì lợi ích trước mắt đã khai thác gỗ non, đường kính thấp, dẫn tới hiệu quả không cao. Khai thác gỗ non dẫn tới hiệu quả sử dụng đất thấp, thu nhập người trồng rừng cũng vì thế mà thấp đi.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế đồi rừng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung tại các địa phương, tỉnh Yên Bái đã và đang xây dựng Đề án "Hỗ trợ phát triển các vùng rừng trồng gỗ lớn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” và đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Diện tích rừng được quy hoạch phát triển rừng sản xuất thực hiện chuyển hóa rừng gỗ lớn 2.860 ha thuộc các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái. Tổng vốn đầu tư cho Đề án gần 100 tỷ đồng, đây sẽ là nguồn động lực thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thanh Phúc