Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 19.558 ha lúa, đạt 102,4% kế hoạch. Hiện, lúa xuân đang trong thời kỳ đứng cái, làm đòng. Tuy nhiên, do thời tiết mưa, nắng xen kẽ nên đồng ruộng xuất hiện sâu bệnh hại lúa.
Tại thời điểm này, toàn tỉnh đã có 1.049 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, diện tích nhiễm nhẹ 798 ha, trung bình 201 ha, nặng 50 ha. Đáng lo ngại là ở nhiều địa phương bệnh đạo ôn lá xuất hiện gây hại và có chiều hướng gia tăng.
Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 542 ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá, cao hơn 336,8 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 448,5 ha, trung bình 87,5 ha, nặng 6 ha; tỷ lệ phổ biến 1 - 10%, cao 6 - 25%, cục bộ 30 - 50%.
Bệnh gây hại trên các giống nhiễm như Séng cù, BC 15, J02, Nhị ưu 838, nếp 87, Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7, tập trung ở các huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái cho biết: vụ xuân này, thành phố đưa vào gieo cấy 373 ha lúa xuân. Qua kiểm tra, có 3 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá trên các giống nếp, HT1, Nhị ưu 838.
Để chủ động phòng trừ có hiệu quả, ngăn chặn kịp thời sâu bệnh phá hại, đơn vị đã có thông báo về tình hình bệnh đạo ôn phát sinh gây hại lúa và hướng dẫn chi tiết cách phòng trừ đến các địa phương. Đơn vị cũng tăng cường cán bộ kỹ thuật kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc diệt trừ một cách hiệu quả; đồng thời, trực để theo dõi tình hình dịch và có phương án xử lý kịp thời.
Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết ấm áp, độ ẩm không khí cao, sáng sớm có sương mù nên rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại mạnh; bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng và nhiều khả năng chuyển lên hại cổ bông. Nếu không chủ động phòng trừ kịp thời sẽ có diện tích lúa bị lụi làm thiệt hại đến năng suất ở tất cả các huyện thị trong tỉnh.
Để bảo vệ lúa xuân nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng, đặc biệt trên giống nhiễm và trà lúa đang trong thời kỳ mẫn cảm với bệnh đạo ôn; thống kê diện tích nhiễm, tỷ lệ hại, cấp bệnh đối với từng giống nhiễm bệnh đạo ôn trên địa bàn từng xã; làm tốt việc thông tin tuyên truyền, tập huấn đầu bờ hướng dẫn nông dân tự kiểm tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời bệnh đạo ôn.
Những ruộng có bệnh đạo ôn xuất hiện, bà con cần dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước cho lúa, tranh thủ thời tiết thuận lợi để phòng trừ bệnh đạo ôn khi mới phát sinh. Cần phun phòng đối với bệnh đạo ôn cổ bông trước trỗ từ 5 - 7 ngày và sau khi lúa trỗ từ 5- 7 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu như Fujione 40 EC, NewHinosan 30 EC, Beam 75WP...
Khi phun, thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng và đúng kỹ thuật) để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh bệnh đạo ôn, cần theo dõi và phòng trừ kịp thời rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá...