Hàng năm, Ban Chỉ đạo công tác giảm nghèo huyện Lục Yên đã chủ động tham mưu với UBND huyện kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên; hướng dẫn, đôn đốc phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai thực hiện các hợp phần dự án đầu tư cho các xã nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nguồn vốn đầu tư phù hợp với từng địa phương trên nguyên tắc: công khai, dân chủ, đánh giá đúng nhu cầu, nội dung các dự án được bàn bạc, quyết định từ cơ sở.
Quá trình tổ chức thực hiện, với sự tham gia của cộng đồng hưởng lợi trong giám sát đầu tư, tham gia ngày công…
Qua đó, năm 2018, Chương trình 135 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện triển khai thực hiện 38 công trình, trong đó, 9 công trình chuyển tiếp, 24 công trình khởi công mới và 5 công trình duy tu bảo dưỡng với tổng kinh phí thực hiện 20 tỷ 493 triệu đồng.
Một số công trình có vốn đầu tư lớn như: đường giao thông thôn Tông Luông đi thôn Nà Tông, xã Khánh Thiện; đường bê tông liên xã Khánh Hòa; đường bê tông thôn 8, xã An Lạc; đường liên thôn Bản Rầu đi Bản Chang, xã Phan Thanh; đường bê tông trục chính từ UBND xã Tân Lập đi bản Ao Sen; đường bê tông thôn 1 xã Động Quan; cầu tràn thôn Sâm Trên, xã Khai Trung; đường bê tông UBND xã Tân Phượng đi xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai…
Kết thúc năm 2018, các công trình chuyển tiếp và xây dựng mới, tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 98% kế hoạch. Để giúp đồng bào dân tộc vùng ĐBKK phát triển kinh tế, huyện còn triển khai tiểu dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhằm nhân rộng các mô hình giảm nghèo với kinh phí thực hiện 4 tỷ 536 triệu đồng gồm: hỗ trợ người dân sản xuất hàng hóa, cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, gia cầm và dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo và chương trình tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật…
Ông Nguyễn Nguyên Đúng - Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Lục Yên có 24 xã, thị trấn, trong đó, 15 xã và 15 thôn bản ĐBKK với 23 dân tộc chung sống. Những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án đã góp phần quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Diện tích cây trồng, vật nuôi được áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới nên đạt năng suất, chất lượng cao. Hàng năm, huyện đưa vào gieo cấy 7.225 ha lúa nước và gần 5.500 ha ngô. Một số địa phương đã hình thành vùng lúa thâm canh tập trung chất lượng cao như các xã: Mường Lai, Minh Xuân, Liễu Đô, Vĩnh Lạc...
Diện tích đất canh tác 3 vụ ở nhiều xã cho giá trị kinh tế đạt từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha/năm. Người dân vùng ĐBKK còn được hưởng các chế độ, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tiền điện; trẻ em từ 3 đến 5 tuổi thuộc vùng khó khăn được hỗ trợ tiền ăn trưa, được cấp bù học phí; người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội...
Từ các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc, đời sống nhân dân đươc nâng lên rõ rệt, góp phần để mỗi năm huyện giảm trên 5% hộ nghèo.
Từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ, đóng góp tích cực của nhân dân, hiện nay hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, trường lớp học, cơ sở y tế, nhà văn hóa thôn… trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp theo tiêu chí XDNTM, tạo điều kiện để nhân dân giao lưu phát triển kinh tế nâng cao thu nhập từng bước giảm nghèo.
Đây là động lực quan trọng để kinh tế - xã hội của huyện Lục Yên tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Thạch Phong