Mục tiêu của Dự án là xây dựng CDĐL "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò, để nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, giá thành gạo Mường Lò, góp phần duy trì và phát triển bền vững vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại cánh đồng Mường Lò.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra. Chủ nhiệm dự án - ông Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ và các thành viên Dự án đã tổ chức điều tra, khảo sát vùng gạo và đánh giá về uy tín, giá trị kinh tế - xã hội của gạo Mường Lò và điều tra phân tích, đánh giá tính đặc thù của gạo Mường Lò thông qua người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gạo Mường Lò.
Cụ thể, đã lựa chọn 204 chủ hộ trực tiếp tham gia sản xuất lúa gạo tại cánh đồng Mường Lò (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) và 65 chủ hộ các cơ sở chế biến, thu mua, bán buôn, bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm sản xuất lúa gạo Mường Lò phát phiếu điều tra.
Qua điều tra, khảo sát về gạo Mường Lò cho thấy: gạo Séng cù Mường Lò, thóc có màu vàng nhạt sáng, vỏ mỏng, đuôi hạt có râu, hạt to và dài; hình dáng hạt gạo thon dài, hạt chắc, đều, ít bị gãy vỡ; hạt gạo màu trắng ngà, hơi bóng, thơm đậm hơn các loại gạo thông thường; cơm vị ngọt đậm và bùi; hương thơm đậm, đặc trưng; độ dẻo giống như xôi nhưng không dính tay khi nắm...
Gạo Hương chiêm Mường Lò: thóc có màu vàng nhạt hơi đậm, vỏ dày trung bình, đuôi hạt không có râu; hạt gạo nhỏ, thon dài, ít bị gãy vỡ, màu trắng ngà, thơm nhẹ; cơm vị đậm, thơm nhẹ, dẻo... Kết luận, gạo Séng cù, Hương chiêm Mường Lò có hương vị đậm, thơm, dẻo, ngon hơn các gạo cùng loại được gieo trồng ở các vùng khác.
Sau khi hoàn thành điều tra, khảo sát gạo Mường Lò, Chủ nhiệm Dự án và nhóm thực hiện Dự án đã xây dựng văn bản tài liệu quản lý CDĐL và lập bộ hồ sơ đăng ký CDĐL gồm: đơn yêu cầu đăng ký CDĐL "Gạo Mường Lò”; kết quả xác lập quyền đối với CDĐL "Gạo Mường Lò”, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa gạo Mường Lò và đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận bảo hộ CDĐL vào tháng 1/2018 cho 2 sản phẩm gạo Séng cù và Hương chiêm Mường Lò. Đến tháng 4/2018, thị xã Nghĩa Lộ đã thành lập Hội Sản xuất và kinh doanh gạo Mường Lò.
Anh Liễu Ngọc Mậu - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh gạo Mường Lò chia sẻ:" Hội chúng tôi hiện có 100 hội viên ở các xã: Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn A, Phù Nham, Hạnh Sơn... (Văn Chấn) và các xã: Nghĩa Phúc, Nghĩa An, Nghĩa Lợi, phường Pú Trạng, Cầu Thia, Trung Tâm, Tân An (Nghĩa Lộ)".
Được biết, từ khi được cấp Chứng nhận bảo hộ CDĐL đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo mang nhãn hiệu Séng cù và Hương chiêm Mường Lò của Hội được mở rộng về thành phố Hà Nội và một số tỉnh khác, giá bán cũng tăng hơn trước.
Giá bán gạo Séng cù không có nhãn hiệu của Hội đang được bán với giá từ 180.000 - 220.000 đồng/10kg; còn gạo mang Nhãn hiệu Séng cù Mường Lò của Hội được bán với giá 300.000 đồng/10kg; gạo Hương chiêm của các hộ dân bán tại thị trường cũng chỉ bán được từ 150.000 - 160.000 đồng/10kg trong khi gạo mang Nhãn hiệu Hương chiêm Mường Lò của Hội bán được giá 200.000 đồng/10kg.
Để giữ uy tín của Nhãn hiệu gạo Séng cù và Hương chiêm Mường Lò, Hội yêu cầu tất cả hội viên phải tuân thủ nghiêm ngặt từ quy trình sản xuất an toàn đến khâu chế biến, đóng bao bì sản phẩm đưa ra thị trường.
"Chúng tôi mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ cho chúng tôi sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; quy hoạch vùng sản xuất tập trung để giữ được chất lượng từng loại gạo và nên có đề tài sản xuất lúa giống Séng cù, Hương chiêm thuần chủng cung ứng cho nhân dân sản xuất...” - anh Mậu nói.
Hiện nay, vùng sản xuất lúa chất lượng cao Mường Lò (Văn Chấn và Nghĩa Lộ), mỗi năm sản xuất được trên 10.000 tấn thóc, nhưng Hội Sản xuất kinh doanh gạo Mường Lò tỉnh Yên Bái mới tiêu thụ được khoảng trên 100 tấn gạo với giá bán cao.
Mong rằng các ngành chức năng cần tham mưu giúp tỉnh thực hiện đề xuất của Hội để nhiều hộ dân trong vùng Mường Lò có điều kiện sản xuất tốt hơn, tham gia vào Hội Sản xuất, kinh doanh gạo Mường Lò tỉnh Yên Bái, nâng cao thu nhập và gìn giữ Nhãn hiệu gạo Séng cù và Hương chiêm Mường Lò đã được Nhà nước bảo hộ.
Minh Hằng