Từ lâu, nghề trồng dâu nuôi tằm (TDNT) đã khẳng định giá trị mà nó mang lại cho nông dân không chỉ riêng ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Song, đó chưa phải là tất cả. Bởi từ vụ thu năm 2018, nông dân Báo Đáp đã đưa né gỗ ô vuông thay thế cho né tre truyền thống làm tăng năng suất, chất lượng và giá trị của kén tằm lên khoảng 20%.
Ông Lê Văn Tiến ở thôn Đình Xây chia sẻ: "Trước đây, TDNT hoàn toàn chỉ dựa vào kinh nghiệm tích lũy. Tằm chết, kén ẩm, kén bé, không đẹp... xảy ra đều bảo do trời, do thời tiết. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã nắm và thực hiện các kỹ thuật cụ thể, khép kín từ cây dâu cho đến con tằm: cách bón phân để lá có đủ chất dinh dưỡng, không dư thừa đạm, tằm tuổi nào ăn lá nấy, nhặt bỏ tằm còi, tằm kẹ tránh mầm bệnh, chú trọng khâu vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà tằm theo tiêu chí 2 khử, 1 rửa và đặc biệt là sử dụng né gỗ ô vuông thay thế né tre. Từ đó, chúng tôi nhàn hơn, năng suất tăng mà lại cho kén to, đẹp, giá trị cũng cao hơn hẳn từ 110.000 đến 130.000 đồng/kg kén".
Hộ ông Tiến chỉ là 1 trong hơn 200 hộ tham gia tổ hợp tác TDNT ở Báo Đáp, có ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc bao tiêu sản phẩm.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã cho hiệu quả rõ ràng, xóa bỏ tư duy sợ thay đổi, sợ gò bó của người dân nơi đây. Bởi vậy, ban đầu chỉ có gần 30 hộ tham gia thì đến nay đã có hơn 200 hộ tự nguyện xin tham gia vào các tổ hợp tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho vườn dâu, nhà tằm của mình.
Khi cây dâu, con tằm dần trở thành thế mạnh thì lúa, chè - cây trồng trước đây là chủ đạo của nền nông nghiệp ở Báo Đáp, nay bị thu hẹp diện tích (lúa từ 180 ha giảm còn 130 ha, chè từ 100 ha giảm còn 26 ha). Song, việc thu hẹp này đang được đi đôi với sản xuất chất lượng cao và an toàn.
Đối với cây lúa, các giống lúa thuần chất lượng cao được đưa vào sản xuất dần thay thế cho các giống lúa lai. Cánh đồng ở thôn Đồng Trạng là một điển hình. Cả thôn có 142 hộ dân, gần 90% trồng lúa thì có đến trên 80% người dân trồng các giống lúa chất lượng cao.
Theo người dân ở đây, trồng lúa thuần chất lượng cao tuy năng suất thấp hơn lúa lai nhưng giá trị, chất lượng lại cao hơn hẳn. Nếu lúa lai chỉ cho thu 600.000 đồng/tạ thóc thì lúa thuần cho thu khoảng 1 triệu đồng.
Còn với cây chè, một vài hộ dân ở thôn Đồng Bưởi, thôn Tân Long đã áp dụng hệ thống tưới phun mưa cho toàn bộ diện tích chè từ nhiều năm nay. Hệ thống này thực chất là những đường ống nước nối dài khắp nương chè, có lắp đặt các van khóa tay và bể tưới.
Trước đây, chè không được tưới nước mà chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Từ khi có hệ thống này, không những mùa hè nắng nóng, oi ả, cây chè cũng được tưới mát mà ngay cả mùa đông sương giá, nguồn nước này còn rửa đi sương muối là nguyên nhân khiến ngọn chè bị cháy.
Chị Nguyễn Thị Mai ở thôn Đồng Bưởi - một trong những hộ dân ứng dụng hệ thống tưới phun mưa chia sẻ: "Đúng là ứng dụng khoa học - công nghệ khác hẳn canh tác truyền thống. Có cái hệ thống này, chè nhà tôi lúc nào cũng trong tình trạng cung không đủ cầu. Không những năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm cao hơn mà còn tăng thêm vụ. Phần lớn người trồng chè chỉ được 2 vụ/năm còn nhà tôi lúc nào cũng được thu 3 vụ".
Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật của nông dân Báo Đáp được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp.
H.A