Sơn Lương là xã nằm dọc theo suối Nậm Mìn. Trong số 6 thôn, bản thì có tới 4 thôn, bản nằm dọc theo con suối này và có nguy cơ xảy ra lũ ống rất cao, lũ xảy ra rất nhanh, bất ngờ, thường xuất hiện vào ban đêm, nên nguy cơ gây nên thiệt hại lớn.
Năm 2018, thiên tai đã làm 3 người chết, 7 người bị thương, 15 ngôi nhà bị sập trôi hoàn toàn, hàng trăm héc - ta lúa, hoa màu, nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị vỡ, hư hỏng nghiêm trọng, ước tính thiệt hại trên 5 tỷ đồng.
Bởi vậy, ngay từ đầu năm 2019, xã Sơn Lương đã xây dựng phương án chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mưa lũ.
Ông Hà Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ngay từ đầu mùa mưa, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chủ động các biện pháp phòng, chống mưa lũ, xã đã củng cố lại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN). Theo đó, vật tư dự phòng được địa phương quan tâm chuẩn bị gồm: dầu hỏa, đèn pin, loa tay đảm bảo các điều kiện về thông tin liên lạc; Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã tổ chức ứng trực 24/24 giờ khi có mưa bão xảy ra. Hiện tại, xã đã thành lập 2 đội thanh niên xung kích gồm 40 thành viên; mỗi thôn cũng thành lập tổ đội xung kích và mỗi đội có từ 15 - 20 thành viên. Cùng đó là các phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu nhất về thiên tai xảy ra”.
Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Văn Chấn, năm 2018 thiên tai, đặc biệt là mưa lũ đã làm 11 người chết, 16 người bị thương; 531 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; trên 1.100 ha lúa, ngô, hoa màu, cây lâm nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng và thiệt hại; gần 14.000 con gia súc, gia cầm bị chết; lũ cuốn trôi, nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng... ước thiệt hại về vật chất khoảng 500 tỷ đồng.
Để chủ động PCTT, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các cấp; triển khai phương án PCTT - TKCN, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và thực hiện phương châm "4 tại chỗ”.
Đồng thời, huyện chỉ đạo khi có mưa, lũ xảy ra ở địa bàn, khu vực nào thì huy động lực lượng nhân dân và cán bộ nơi ấy tham gia phòng, chống. Riêng các xã, thị trấn thì sử dụng lực lượng dân quân cơ động và công an xã để tham gia TKCN, cứu hộ.
Ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra, tu sửa các công trình thủy lợi, hồ chứa, các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng cơ bản, đường, điện. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn điều chỉnh, bổ sung kế hoạch PCTT - TKCN cho phù hợp với tình hình thực tế...
Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí tượng - thủy văn để nhân dân chủ động có biện pháp phòng chống, sơ tán kịp thời; theo dõi lượng mưa trên địa bàn để báo cáo, tổng hợp, đề phòng tình hình lũ ở các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở ta - luy xảy ra; tổ chức hiệp đồng lực lượng với các đơn vị trên địa bàn; vận động nhân dân trong mùa mưa lũ, mỗi hộ phải có kế hoạch dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác đảm bảo cho sinh hoạt từ 5 - 7 ngày trở lên khi có tình huống bất trắc; khi xảy ra bão lũ việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn tính mạng con người, sau đó mới tính đến các phương án khác”.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2019 do tác động của hiện tượng El Nino nên Yên Bái sẽ có 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp. Do vậy, trước những diễn biến bất thường của thiên tai, đặc biệt là mưa lũ, huyện Văn Chấn cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương chủ động mọi phương án ứng phó với thiên tai để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản, hoa màu, công sinh, dân sinh, phúc lợi của nhân dân.
Thanh Tân