Hiện nay, thị trường xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, chủ nghĩa bảo hộ thể hiện rõ ràng hơn khi lần đầu tiên trong nhiều năm, Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với một số mặt hàng.
Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dẫn đến tâm lý doanh nghiệp và nhà đầu tư bị lung lay. Đối với nông sản, thách thức lớn khi Trung Quốc - thị trường lớn nhất của tỉnh Yên Bái đã và đang có xu hướng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý và siết chặt hoạt động thương mại biên giới.
Trước những khó khăn đó, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ nhất để phục vụ doanh nghiệp, có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu; thường xuyên gặp gỡ nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Cục Thống kê tỉnh, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 của tỉnh đạt 47.268,4 ngàn USD, bằng 27,80% kế hoạch năm 2019, tăng 23,11% so cùng kỳ năm trước.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 thì mặt hàng rau quả đạt 1.438,4 ngàn USD; chè chế biến đạt 1.107,0 ngàn USD; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1.395,6 ngàn USD; quặng và khoáng sản khác đạt 13.631,5 ngàn USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 9.547,2 ngàn USD; sản phẩm từ chất dẻo đạt 51,5 ngàn USD; gỗ đạt 891,7 ngàn USD; sản phẩm gỗ đạt 466,2 ngàn USD; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 3.172,9 ngàn USD; hàng dệt may đạt 15.437,8 ngàn USD; sản phẩm gốm sứ đạt 78,0 ngàn USD; sản phẩm hàng hóa khác (đá lọ hoa, đá lọ tro, hoa hồi, quế vỏ) đạt 50,7 ngàn USD.
Đáng chú ý là dù một số nhóm hàng chủ lực như: tinh bột sắn, tinh dầu quế, gỗ, các sản phẩm từ gỗ gặp phải sự cạnh tranh mạnh và khó khăn thủ tục hải quan nước nhập khẩu, nhưng các mặt hàng nông lâm sản vẫn đạt kế hoạch đề ra.
Năm 2019, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh tập trung vào việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện hàng tháng, tăng cường đi cơ sở nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tập trung tăng cường tham mưu các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, tăng cường xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu đối với các mặt hàng nông, lâm sản như: chè, tinh bột sắn, tinh dầu quế; tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu đặc biệt là xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu sang thị trường các nước AEC (Cộng đồng kinh tế Asean), Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia nhằm đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với chú trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, phát triển nhãn hiệu sản phẩm, cải tiến chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm.
Quang Thiều