Trên lưng, trên tay họ là những con dao, gói cơm nắm, túi cá kho... Mỗi cuộc tuần rừng thường bắt đầu như vậy và kết thúc sau nhiều ngày vượt núi, ngủ rừng. Cơn mưa đêm hôm trước khiến con đường từ bản tái định cư thôn Làng Lao lên khu rừng tự nhiên trở nên xa hơn khi các thành viên của nhóm BVR phải đi bộ thay vì xe máy như mọi khi.
Tiếng loa của Bí thư Vàng A Tếnh vang tới đâu là lại thêm một người nữa tham gia cùng đoàn đi tuần rừng. Phải mất hơn tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi mới tiếp cận được khu vực rừng tự nhiên sản xuất của Làng Lao. Sau khi họp bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể, các nhóm BVR tách thành từng tốp để triển khai nhiệm vụ kiểm tra, phát dọn cây cối đổ, gẫy có nguy cơ gây cháy rừng.
Anh Vàng A Sử - thành viên Nhóm BVR ông Tếnh cho biết: "Em tham gia tuần rừng được 2 năm nay và mỗi tháng phải đi tuần rừng một lần. Nhiệm vụ là kiểm tra xem có tình trạng chặt phá rừng hoặc cháy rừng không để báo cho chính quyền địa phương. Mỗi lần đi thế này, mỗi người phải chuẩn bị gạo và thức ăn đủ đến khi về”.
Theo thống kê, thôn Làng Lao có trên 5.000 ha rừng tự nhiên phòng hộ và tự nhiên sản xuất. Để bảo vệ và ngăn ngừa các vụ phá rừng, cháy rừng, thôn đã thành lập 8 nhóm BVR, trong đó, 6 nhóm BVR tự nhiên phòng hộ, 2 nhóm BVR tự nhiên sản xuất. Cùng đó, thôn Đồng Hẻo cũng thành lập 5 nhóm BVR để cùng tham gia BVR ở thôn Làng Lao.
Ông Vàng A Tếnh cho biết: "Nhóm của tôi có 19 thành viên, đa phần đều còn trẻ. Bám sát sự chỉ đạo của UBND xã Cát Thịnh, cán bộ kiểm lâm, hàng tháng chúng tôi đều tổ chức đi tuần rừng. Đặc biệt, trong mùa khô hanh này, nguy cơ cháy rừng rất cao nên chúng tôi phải đi kiểm tra kỹ từng khu vực; đồng thời, dọn dẹp lá khô, cây chết, làm đường băng cách ly những nơi có nguy cơ cháy rừng cao”.
Được biết, xã Cát Thịnh có diện tích tự nhiên trên 16.900 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên phòng hộ là 3.853,56 ha, tự nhiên sản xuất là 5.158,29 ha. Toàn xã có 2.151 hộ sau khi sáp nhập còn 17 thôn, trong đó, có 6 thôn người Mông sống gần rừng.
Để làm tốt việc BVR, xã Cát Thịnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gồm 46 thành viên; đồng thời, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và thành lập 26 nhóm BVR gồm 575 người.
Theo ông Sa Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã, từ đầu năm đến nay, địa phương đã thông báo cho các thôn có rừng tổ chức họp thôn, bình xét, kiện toàn trưởng nhóm BVR và thành viên trong các nhóm để ký kết hợp đồng nguyên tắc; tổ chức rà soát, kiểm tra và sắp xếp lại diện tích của các nhóm BVR; thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra rừng, chỉ ranh giới rừng của các nhóm BVR và chia thành nhiều đợt khác nhau tại các thôn.
Cùng đó, định kỳ vào thứ 6 ngày cuối tháng, xã tổ chức giao ban các nhóm BVR. Trên cơ sở đó, xã chỉ đạo các nhóm BVR tăng cường kiểm tra, kiểm soát lâm sản nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, nhất là khu vực thôn Đồng Hẻo, Làng Lao, Làng Ca.
"Trong thời gian cao điểm, cán bộ phụ trách thôn phải xuống kiểm tra rừng. Ngoài ra, việc phân công các nhóm trách nhiệm cho trưởng nhóm, các nhóm BVR có ý nghĩa quy vào trách nhiệm khi khu vực nào xảy ra vấn đề gì thì trưởng nhóm và nhóm phải chịu trách nhiệm” - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Quang Huy trao đổi.
Với những nỗ lực trên, công tác bảo vệ, phát triển rừng ở xã Cát Thịnh được thực hiện khá tốt; nhiều năm liền không xảy ra các vụ cháy hay phá rừng trái phép.
Ông Nguyễn Đình Thịnh - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cầu Gỗ, huyện Văn Chấn cho biết: xã Cát Thịnh có diện tích rừng lớn, nhưng nhờ làm tốt việc BVR nên hàng chục năm nay, xã không để xảy ra vụ cháy rừng nào cũng như không có tình trạng chặt phá lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy không đúng quy định. Để nâng cao nhận thức BVR, xã đã gắn trách nhiệm của bí thư, trưởng thôn làm trưởng nhóm, nên tiếng nói của họ rất có trọng lượng, uy tín, được mọi người kính nể, nghe theo.
Hùng Cường