Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/5/2019 | 2:11:25 PM

Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của các bộ, ngành, địa phương là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; cải cách thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Trên là ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019.

Đẩy mạnh không dùng tiền mặt

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công Thương, Tài chính và Ban Chỉ đạo điều hành giá thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, phối hợp chặt chẽ trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động tình hình trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác về công tác điều hành giá, thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu để tạo đồng thuận trong xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát mục tiêu đề ra; thực hiện các biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; ngăn chặn, giảm thiểu tín dụng đen.

Chống trốn thuế

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục siết chặt và tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước; thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; giám sát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi mua xe ô tô, thiết bị đắt tiền, khánh tiết, tổ chức hội nghị; đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, mở rộng thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử đối với các hộ và cá nhân kinh doanh tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là các dự án, đơn vị có sử dụng vốn lớn; nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị có nhu cầu về vốn và tỷ lệ giải ngân cao.

Sớm chấm dứt lây lan dịch tả lợn Châu Phi

Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng; kiểm soát, sớm chấm dứt lây lan dịch tả lợn Châu Phi; theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, nắng nóng, cung cấp đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất; phòng, chống cháy rừng; có phương án đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu về dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn hàng xuất khẩu sang thị trường EU và Nhật Bản; phối hợp với các địa phương có biển tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp.

Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho triển khai thực hiện các dự án công nghiệp; có phương án bảo đảm cung ứng điện cho sinh hoạt và sản xuất.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương có giải trình đầy đủ về phương án tăng giá điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2019; đẩy mạnh phòng, chống gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; có biện pháp ngăn chặn hàng hóa nước ngoài gắn mác sản xuất tại Việt Nam để buôn lậu hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba.

Bộ Xây dựng theo dõi sát tình hình thị trường bất động sản; đôn đốc các địa phương xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; khẩn trương đề xuất các cơ chế quản lý và phát triển các loại hình bất động sản mới; đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Ngăn chặn lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; đẩy mạnh quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ du lịch; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, mê tín, dị đoan để thu lợi bất chính; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tốt các hoạt động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, nhất là trợ giúp các đối tượng yếu thế, người tàn tật, người già và trẻ em cô đơn, không nơi nương tựa; phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương chủ động lên phương án, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè.

Bộ Y tế chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh theo mùa; tích cực thực hiện các biện pháp giảm quá tải bệnh viện; tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tổ chức tốt kỳ thi THPT, đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, sai phạm trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2018; chuẩn bị các điều kiện, tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học năm 2019, bảo đảm thuận lợi cho học sinh và gia đình, có chất lượng, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời dự báo, thông tin phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai. Tích cực triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc thải bỏ rác thải nhựa trong sinh hoạt.

(Theo chinhphu.vn)

Các tin khác
Da giày là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ  CPTPP.

Để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp phải nắm chắc các quy tắc của hiệp định để vừa đáp ứng, vừa vận dụng tối đa cho sản xuất, kinh doanh.

Cơ sở làm chổi chít của ông Bùi Văn Ca ở thị xã Nghĩa Lộ cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 150 triệu đồng trở lên.

Nhờ nghề làm chổi chít, nhiều hộ ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ không những vươn lên thoát nghèo mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều thiết bị tiện nghi phục vụ cuộc sống.

Nhiều gia đình hội viên xã Minh Xuân nuôi lợn cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã có trên 11.000 hộ đăng ký tham gia.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa yêu cầu các ban quản lý dự án và đơn vị liên quan trong năm 2019 phải khởi công toàn bộ các gói thầu sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục